...

    An cư kiết hạ: Truyền thống ngàn đời của Phật giáo

    Sau lễ kỷ niệm Đức Phật đản sinh, chư Tăng Ni theo truyền thống Phật  giáo Bắc tông bước vào mùa An cư kiết hạ (chư Tăng Phật giáo Nam tông an cư từ 16-6 đến 16-9 âm lịch), nối tiếp truyền thống ngàn đời của Phật giáo.

    HT.Thích Thiện Thành và TT.Thích Phước Minh tác pháp đối thú an cư PL.2562 tại tổ đình Tịnh Độ – TP.Tam Kỳ

    Ba tháng an cư kiết hạ có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới-Định-Tuệ, đồng thời đây cũng là cơ hội cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni an cư tu học.

    Hàng năm đến mùa An cư, chư Tăng Ni tạm gác lại các Phật sự bận rộn như du hóa, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, vân tập về một trú xứ để chuyên tâm tu học. Trong ba tháng an cư chư Tăng Ni hạn chế mọi tiếp xúc bên ngoài, không bị ngoại duyên chi phối hay làm ảnh hưởng. Những hành giả xuất gia thực hiện phận sự an cư tinh tấn trong việc học pháp, hành pháp, nghiêm trì giới luật sẽ khiến cho công đức, giới hạnh, đạo lực tăng trưởng, xứng đáng là nơi nương tựa và là phước điền của hàng Phật tử tại gia.

    Tuy việc hoằng pháp, từ thiện, lợi tha là sứ mệnh của người xuất gia, nhưng không vì thế mà chư Tăng Ni không chú trọng đến sự nghiệp trí tuệ và mục đích cứu cánh giải thoát (tự độ) của mình. Nếu không có đầy đủ trí tuệ và công đức phước báo thì khó có thể làm nơi nương tựa, làm ngọn đuốc soi đường cho hàng Phật tử tại gia. Vì thế người xuất gia luôn hướng đến sự song hành giữa tự độ và độ tha, giữa tự giác và giác tha để thành tựu giác hạnh viên mãn như chư Phật.

    Từ thời Phật còn tại thế, hàng năm Tăng đoàn đều an cư vào mùa mưa với nhiều lý do, như khó thực hiện công việc du hóa hoằng pháp trong mùa mưa (mưa gió, thời tiết khắc nghiệt, đường sá bùn sình lầy lội, ngập nước khó đi, nhiều loài côn trùng, bò sát sinh sôi nảy nở có thể gây hại, không có nơi trú ngụ khi mưa gió trên đường khất thực, du hóa…); vì lòng từ bi thương tưởng đến các loài côn trùng, các sinh vật nhỏ bé sinh trưởng trong mùa mưa nên không đi lại để tránh giẫm đạp gây hại cho chúng; tránh những chỉ trích và đàm tiếu của ngoại đạo; nhưng điều quan trọng nhất vẫn là mục đích thúc liễm thân tâm, trau giồi tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ, tấn tu đạo nghiệp.

    Bình thường chư Tăng Ni được phân bố đi khắp nơi để hoằng hóa, ngày ngày các vị ấy trì bình khất thực trong làng mạc, phố thị, đến từng nhà, không phân biệt nhà nào, không phân biệt giai cấp, thành phần nào trong xã hội để quảng kết thiện duyên và làm phước điền cho những ai phát tâm, đồng thời thuyết pháp độ sinh, mang lại niềm tin thanh tịnh và trí tuệ giải khổ cho mọi người. Thời gian còn lại các vị ấy dành cho việc nghe Đức Phật hoặc các vị Trưởng lão giảng pháp và tu tập thiền định, trí tuệ. Có nhiều vị được Đức Phật phái đi hoằng pháp ở những nơi xa, thuộc xứ khác hoặc quốc gia khác. Cũng như ngày nay, ngoài việc tu học, chư Tăng Ni còn làm các công tác hoằng pháp trong nước hoặc nước ngoài như tổ chức các khóa tu, thuyết pháp, giảng kinh, phiên dịch, in ấn phổ biến Chánh pháp, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội v.v…

    Đến kỳ an cư, chư Tăng Ni từ khắp nơi dừng việc du hóa, quay về một trú xứ mà ngày nay gọi là“Tịnh nghiệp đạo tràng” hay ‘Đạo tràng an cư kiết hạ”, đó là một ngôi tùng lâm, già-lam, tịnh xá, tu viện để tu học.

    Trong thời gian an cư, chư Tăng Ni không đi khất thực, các cận sự nam, cận sự nữ là hàng Phật tử tại gia dâng y phục, thuốc men (nếu có vị Tỳ-kheo bị bệnh) và sớt bát cúng dường thức ăn mỗi ngày. Nói chung là hàng Phật tử chăm lo việc tứ sự (cơm nước; y phục; chỗ ngồi, giường nằm; thuốc men trị bệnh là các nhu cầu cơ bản cần thiết nhất của con người), tạo mọi điều kiện thuận tiện cho chư Tăng Ni an tâm tu học. Hàng ngày chư Tăng Ni dành tất cả thời gian cho việc nghe pháp, hỏi pháp, trì kinh và tu tập thiền định. Chư Tăng Ni sống trong khuôn khổ của Pháp và Luật, sống trong tinh thần hòa hợp thanh tịnh dưới sự quan tâm, dẫn dắt của Đức Phật và các vị Trưởng lão đã chứng đạo quả hoặc có nhiều kinh nghiệm trong tu học. Sau mỗi mùa An cư đều có vị chứng đắc các Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán. Việc an cư tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự tiến bộ trong tu học và giúp người tu dễ dàng thành tựu đạo quả, đăng cao Thánh vị.

    An cư kiết hạ cũng là hoạt động củng cố và duy trì nguồn nội lực sau những ngày tháng dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự chúng sinh. Trong những tháng ngày cấm túc an cư, chư Tăng Ni chẳng những được bồi dưỡng, phát triển trình độ tu học Phật pháp, tăng trưởng công đức, giới hạnh, đạo lực, mà còn có dịp thực hành đời sống tập thể theo tinh thần lục hòa, có cơ hội trao đổi sẻ chia những kiến giải, kinh nghiệm tu hành, đồng thời thể hiện tình huynh đệ, tinh thần hòa hợp như nước với sữa.

    Truyền thống an cư được chư Tăng Ni gìn giữ cho đến ngày nay để làm nòng cốt cho sự tu học và duy trì nội lực Chánh pháp. Đây cũng là một hoạt động mang tính đặc trưng của đạo Phật. Một số tôn giáo, giáo phái khác từ xa xưa và hiện nay cũng có thời điểm “bế quan”, “cấm túc” để tịnh tu trong một thời gian nhất định, tuy nhiên về hình thức và nội dung của hoạt động đó không mang ý nghĩa đặc thù như an cư kiết hạ của người tu Phật.

    Giá trị của sự tu tập, trau giồi giới đức, phạm hạnh và tăng trưởng đạo lực, thể nghiệm chân lý thật khó có thể nghĩ bàn. Ngay cả Đức Phật và các vị Thánh đệ tử, những bậc đã chứng đạo, thành tựu mục tiêu rốt ráo là giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn, luôn luôn an trú trong chánh niệm, thiền định và sống bằng tuệ giác, các Ngài vẫn thường quan tâm đến nền nếp đạo đức và làm tấm gương nghiêm trì giới pháp, luật nghi, tinh tấn thực hành đạo đức, phạm hạnh cho hàng Phật tử noi theo, làm nơi nương tựa cho quần chúng, dùng thân giáo, khẩu giáo để phát huy tinh thần hoằng pháp, lợi lạc chúng sinh.

    Thời Phật còn tại thế, dù Tăng đoàn được sự dẫn dắt trực tiếp của Đức Phật và các vị Thánh tăng Đại đệ tử, song chư Tăng Ni thời bấy giờ vẫn không xem nhẹ tác dụng, ý nghĩa, giá trị của việc an cư cấm túc hàng năm, của việc khép mình trong nền nếp Pháp và Luật, chuyên tu Giới-Định-Tuệ.

    Noi theo đường hướng mà Đức Phật đã vạch ra, trên tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, chư Tăng Ni ngày nay tinh tấn tu hành trong mùa An cư kiết hạ để vun bồi công đức, phước báo, trí tuệ, nhằm thành tựu đạo quả giải thoát hầu làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh.

    Trên tinh thần hộ trì Tam bảo, học tập Phật pháp để tiến tu và vun trồng công đức, phước báo làm nền tảng cho an lạc hạnh phúc đời này và đời sau, hàng Phật tử tại gia, thiện nam, tín nữ hết lòng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni an cư kiết hạ tu hành. Tất cả những việc làm của chư Tăng Ni và nam nữ Phật tử trong mùa An cư đều góp phần quan trọng trong việc duy trì mạng mạch Phật pháp và lợi lạc chúng sinh.

    Minh Hạnh Đức

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM