Sau khi Thành đạo dưới cội cây Bồ đề, Đức Thế Tôn đi đến khu vườn Lộc Uyển để nói bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như, những người bạn cùng tu khổ hạnh lúc trước, Đức Phật nói như thế này:
“Này các ông! Người muốn giải thoát khỏi những khổ đau thì phải tránh 2 cực đoan: một là sống hưởng thụ ngũ dục lạc thấp hèn không xứng đáng với bậc Thánh, hai là tự mình làm khổ mình một cách vô ích bằng cách tu khổ hạnh ép xác không liên quan gì đến bậc Thánh, thoát ly 2 cực đoan đó, Ta tìm ra được con đường Trung đạo. Vậy con đường Trung đạo gồm những gì? chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Con đường Trung đạo này đưa đến chấm dứt khổ đau chứng Niết bàn tịch tịnh an lạc”.
Như thế, Bát Thánh đạo là con đường Trung đạo đưa đến Niết bàn an lạc. Đây là pháp tu căn bản và tổng quát hết 37 Phẩm trợ đạo trong Đạo Thánh Đế. Ở đây chúng tôi giới thiệu với quý vị con đường này với đầy đủ giải thích.
I/ Trung Đạo là con đường chân chánh thoát ly 2 cực đoan: Nhiều người thường nghĩ rằng Trung đạo là con đường giữa nhưng sự thật không phải thế, vì ở giữa thì cũng bị khống chế bởi 2 đầu, nên Trung đạo của Phật giáo không phải là con đường ở giữa mà Trung đạo là Con đường chân chính thoát ly 2 Cực đoan. Thuật ngữ của Phật giáo gọi là Trung đạo ly nhị biên, nhị biên là 2 bên, là 2 trạng thái cực đoan. Như chính Đức Phật đã nói trong đoạn kinh trên, muốn giải thoát mọi khổ đau thì hành giả phải xa lánh thoát ly 2 cực đoan:
– Một là sống hưởng thụ ngũ dục lạc thấp hèn không xứng đáng với bậc Thánh.
– Hai là tự mình làm khổ mình một cách vô ích là tu khổ hạnh ép xác.
Chính Đức Phật đã thể nghiệm, đã trãi qua 2 cực đoan đó và thoát ly chúng. Khi còn là Thái Tử chưa xuất gia tìm đạo, Ngài hưởng thụ đủ thứ dục lạc trên đời không thiếu 1thứ gì: địa vị, giàu sang, châu báu, ngọc ngà, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, yến tiệc linh đình. Nhưng Đức Phật biết rằng những thứ ngũ dục lạc đó không đem lại hạnh phúc an lạc vĩnh cữu. Nên Ngài bỏ đi xuất gia. Đây là Ngài thoát ly cực đoan thứ nhất.
Nhưng qua 6 năm tu khổ hạnh ép xác nhịn ăn, nhịn mặc đến nỗi phải té xỉu bên dòng sông Ni Liên Thiền. Khi tỉnh dậy Ngài nhận thấy rằng đó là tự mình làm khổ mình chứ không đem lại ích lợi nào cả cho việc giải thoát, nên Ngài từ bỏ và nhận lấy bát sữa của nàng Tu Già Ta, một mục nữ chăn cừu bấy giờ và đến gốc cây Bồ đề để ngồi tư duy. Đây là Ngài thoát ly cực đoan thứ 2.
Thoát ly 2 cực đoan ấy, Ngài tự mình ngồi tư duy thiền định chứng thành đạo quả và dạy con đường Trung đạo – Bát thánh đạo.
Điều này chứng tỏ: Đức Phật thiết lập chánh pháp bằng chính chứng nghiệm bản thân, bằng trãi nghiệm thực tế chứ không phải bằng lý thuyết hý luận suông.
II/ Nội dung Bát Thánh Đạo: Bát Thánh Đạo con đường đưa đến quả vị Thánh có 8 ngành:
1/ Chánh kiến: Thấy biết chân chánh, đó là:
– Thấy khổ.
– Thấy nguyên nhân của khổ.
– Thấy Niết Bàn.
– Thấy con đường đưa đến Niết bàn.
Như thế, thấy Tứ Thánh Đế là Chánh kiến.
2/ Chánh tư duy: Tư tưởng chân chánh, đó là:
– Vô não tư duy: Tư tưởng không làm xúc não chúng sanh.
– Vô hại tư duy: Tư tưởng không bao giờ gây tổn hại chúng sanh.
– Xuất ly tư duy: Tư tưởng lúc nào cũng muôn thoát ly ra khỏi 3 cõi luân hồi.
3/ Chánh ngữ: Lời nói chân chánh, đó là:
– Không nói dối.
– Không nói lưỡi 2 chiều.
– Không nói thêu dệt.
– Không nói lời hung ác.
Chỉ nói lời chân thật và hòa nhã.
4/ Chánh nghiệp: Thân nghiệp chân chánh, đó là:
– Không sát sanh.
– Không trộm cướp.
– Không tà hạnh.
5/ Chánh mạng: Nuôi sống thân mạng bằng những nghề chân chánh, không hành nghề ác, bất chánh.
6/ Chánh tinh tấn: Siêng năng nỗ lực chân chánh, đó là:
– Nỗ lực bỏ những việc ác đã phát sanh.
– Nỗ lực ngăn ngừa những việc ác chưa phát sanh không cho chúng phát sanh.
– Nỗ lực làm phát sanh những việc thiện chưa phát sanh.
– Nỗ lực làm cho những việc thiện đã phát sanh được liên tục để đưa đến kết quả.
Như thế chánh tinh tấn là nỗ lực siêng năng bỏ ác hành thiện.
7 /Chánh niệm: Ý niệm chân chính, tỉnh thức, tỉnh giác, đó là:
– Tỉnh thức về thân, thấy thân là bất tịnh.
– Tỉnh thức về thọ, thấy thọ là khổ.
– Tỉnh thức về tâm, thấy tâm vô thường.
– Tỉnh thức về pháp, thấy pháp vô ngã.
8/ Chánh định: Thiền định chân chánh, đó là:
– Sơ thiền ly sanh hỹ lạc địa.
– Nhị thiền định sanh hỹ lạc địa.
– Tam thiền ly hỹ diệu lạc địa.
– Tứ thiền xã niệm thanh tịnh địa.
– Không vô biên xứ địa.
– Thức vô biên xứ địa.
– Vô sở hữu xứ địa.
– Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa.
9/ Bát Thánh Đạo là căn bản và tổng quát hết 37 Phẩm trợ đạo vì có đủ Tam vô lậu học. Đây là con đường đưa đến Thánh quả, chứng được Niết bàn vắng lặng an lạc thoát ly mọi đau khổ của sanh tử luân hồi, đầy đủ cả 3 môn học vô lậu.
– Tuệ học: chánh kiến, chánh tư duy.
– Giới học: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
– Định học: chánh tinh tấn, chánh định.
Tới đây, tôi xin trích dẫn chính lời dạy của Đức Phật về Bát Thánh Đạo để kết luận:
“Giáo lý nào có Bát Thánh Đạo thì giáo lý ấy có đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn. Giáo lý nào không có Bát Thánh Đạo thì giáo lý ấy không có đệ nhất sa, môn đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn”.
Hòa Thượng Thích Như Phẩm