(QCB) – Mấy ngày nay dư luận lại rộ lên chuyện nghệ sĩ chưa minh bạch trong việc làm từ thiện. Không ít người đòi hỏi một số nghệ sĩ phải sao kê đầy đủ các tài khoản ngân hàng trong thời gian kêu gọi quyên góp.
Quả tình khi lòng tin xã hội bị lung lay, thật khó lòng phân định ranh giới giữa cái tốt và cái xấu. Vì vậy trong lúc này để xây dựng lại lòng tin của công chúng, một tiến trình pháp lý giữa các bên có nghĩa vụ liên quan cần sớm được các cơ quan chức năng thực hiện.
Hiện nay, làm từ thiện thường dựa trên danh tiếng, uy tín cá nhân để quyên góp. Người nhận tiền quyên góp thay mặt người bố thí san sẻ cho người gặp khó khăn, bất hạnh. Nếu người làm từ thiện vừa quyên góp vừa bỏ thêm tiền túi do công sức mình làm ra thì họ cũng đều được xem thí chủ.
Cho nên nghĩa của từ bố thí (trong nghĩa hẹp tài thí: thí tiền bạc, vật thực..,) chính là phân chia cho rộng ra, hay nói ngắn gọn là san sẻ, chia sẻ cho người khác. Người nào dùng tiền bạc, tài sản, lương thực, thuốc men, chăn mền…, hay kêu gọi mọi người cùng san sẻ cho người khác thì họ đều là thí chủ thực hành pháp bố thí.
Trong Lục độ của hàng Bồ-tát và trong pháp Tứ nhiếp, bố thí đứng hàng đầu. Đủ thấy bố thí là một hạnh tu rất được coi trọng trong Phật pháp.
Trong Tăng Chi bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ”.
Cũng trong kinh này, Đức Phật dạy: “Có năm lợi ích của bố thí: được nhiều người ưa thích mến mộ; được thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành thiên giới”.
Như vậy việc bố thí bao hàm cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, tức vừa tốt cho mình vừa lợi cho người. Việc làm nào mà tổn người lợi mình hay lợi người tổn mình đều không được khuyến khích.
Thị phi thế gian là điều thường thấy trong sinh hoạt giao tế hàng ngày, người trong sạch không nên vì đó bận tâm mà thoái lui. Mong mọi người giữa hoàn cảnh đại dịch này luôn tinh tấn hơn nữa trong việc thực hành pháp bố thí. |
Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rất rõ:
“Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây đui mù, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế, các vị quốc vương, đại thần đó muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị quốc vương, đại thần đó đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”.
Đức Phật xem việc bố thí cho người nghèo túng tật nguyền kia công đức sánh ngang với công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật, đủ thấy Đức Phật đề cao hạnh bố thí như thế nào rồi.
Ở địa vị cao như các vị quốc vương, đại thần, Đức Phật dạy rõ như thế. Còn với chúng ta, thử xét xem mình đã có đủ tâm từ bi lớn chưa, có lòng vui vẻ tự hạ mình chưa, có tự mình đem cho hay kêu gọi người đem cho chưa, có lời lẽ ôn hoà dịu dàng an ủi người hay chưa?
Từ thiện hay bố thí cứ theo đúng những điều Phật dạy thì không sai lệch pháp và được nhiều lợi lạc. Nếu bố thí với tâm chấp thủ thì được phước báo hữu lậu. Nếu bố thí với tâm vô cầu, vô chấp thì được phước báo vô lậu.
Trong hoàn cảnh phương tiện và pháp tu của mỗi người, việc hướng đến pháp hữu lậu hay vô lậu cũng đều đáng quý và lợi ích ít nhiều cho chúng sinh cả.
Việc làm từ thiện hay bố thí vừa để tăng trưởng thiện tâm vừa phù hợp với luật pháp thế gian. Cho nên tử tế và mình bạch là điều không thể thiếu và không được phép quên.
Thị phi thế gian là điều thường thấy trong sinh hoạt giao tế hàng ngày, người trong sạch không nên vì đó bận tâm mà thoái lui. Mong mọi người giữa hoàn cảnh đại dịch này luôn tinh tấn hơn nữa trong việc thực hành pháp bố thí.
Cho đi người khác vui lòng ta vui. Cho đi là còn mãi…