Đức Phật thừa nhận cuộc đời có vị ngọt, nghĩa là cảm giác thích thú hân hoan hay tâm lý hạnh phúc khi các giác quan của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với các đối tượng cảm quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo hân hoan, thích thú.
Trong Kinh tạng Pàli, có câu nói khá tế nhị nhưng rất thực tế: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”. Đây là câu nói đúc kết sự chứng nghiệm của đức Phật về sự thật khổ đau của cuộc đời, thường được Ngài sử dụng để khuyên nhắc các Tỷ – kheo chế ngự các ham muốn giác quan, sống nếp sống thiếu dục tri túc, không còn bị quay cuồng bởi các động cơ dục lạc, thuận tiện cho việc tu tập hướng đến giải thoát hoàn toàn mọi trói buộc khổ đau.cac-duc-vui-it-kho-nhieu
Đức Phật rất thực tế và khách quan. Phát biểu về nguyên nhân khổ đau và lối sống an lạc, Ngài nêu rõ ba luận đề: Vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava), sự xuất ly (nissarana), nói rõ quan điểm của Ngài về cuộc đời và lối sống hạnh phúc minh triết trên cõi đời.
Luận đề thứ nhất – Vị ngọt (assàda): Đức Phật thừa nhận cuộc đời có vị ngọt, nghĩa là cảm giác thích thú hân hoan hay tâm lý hạnh phúc khi các giác quan của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với các đối tượng cảm quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo hân hoan, thích thú.
Luận đề thứ hai – Sự nguy hiểm (àdìnava): Trong khi thừa nhận cuộc đời có vị ngọt, Đức Phật cũng thẳng thắn chỉ rõ rằng cuộc đời là nguy hiểm, tức mặt trái của sự hiện hữu. Con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và những gì con người cảm nhận được (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều do duyên sinh, vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Nói khác đi, tất cả mọi thứ trêm cuộc đời này, dù tốt hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, đều phải thay đổi và không có tính cách trường cửu. Như vậy, sự nguy hiểm ở đây được hiểu theo nghĩa một quy luật tự nhiên, có sinh tức có diệt. Mặt khác, sự nguy hiểm của cuộc đời cũng được thấy rõ bởi lòng tham lam ích kỉ của con người, tức là do khao khát muốn chiếm hữu và thoã mãn các vị ngọt hay lạc thú ở đời mà con người bất chấp đạo lý, rơi vào các hành vi ác, bất thiện như tranh chấp, chiến tranh, xâm lăng, mưu hại lẫn nhau, khiến gây khổ đau cho mình và cho người khác. Đây là những gì đang diễn ra hầu như khắp nơi trên thế giới.
Luận đề thứ ba – Sự xuất ly (nissarana): Từ thực tế này, nghĩa là sự vô thường, nguy hiểm của cuộc đời, Đức Phật nêu luận đề thứ ba, sự xuất ly cuộc đời, nhấn mạnh sự điều phục lòng tham hay dục vọng trên cơ sở thực hành Bát Thánh đạo, tức một nếp sống trung dung tiết độ có khả năng giúp con người phát huy các năng lực đạo đức tâm linh và trí tuệ để sống an lạc giữa cuộc đời. Sau đâu là toàn bộ lời dạy của Ngài (1):
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các dục?
Này các Tỷ-kheo, có năm pháp tăng trưởng dục này: Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả thức… các hương do tỷ căn nhận thức… các vị do thiệt căn nhận thức… các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục như vậy. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các dục?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thục hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.
Này các Tỷ – kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả”. Này các Tỷ – kheo, như vậy, là sự nguy hiểm các dục… (như trên)… là nguyên nhân của dục.
Này các Tỷ – kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: “Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?”. Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa”. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục… (như trên)… là nguyên nhân của dục.
Lại nữa, này các Tỷ – kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua. Sát – đế – lỵ tranh đoạt với Sát – đế – lỵ, Bà – la – môn tranh đoạt với Bà – la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục …(như trên)… là nguyên nhân của dục.
Lại nữa, này các Tỷ – kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn vào nhau, đao được quang ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục… (như trên)… là nguyên nhân của dục.
Lại nữa, này các Tỷ – kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Ở đây, họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp nhau bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục…(như trên)… là nguyên nhân của dục.
Lại nữa, này các Tỷ – kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đáng bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc đầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình… Hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa)… chúc thủ hình (đốt tay)… khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt)… bì y hình (lấy vỏ cây làm áo)… linh dương hình (hình phạt con dê núi)… câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt)… tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền)… khối trấp hình… chuyển hình… cao đạp đài… họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc ở những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm của dục… (như trên)… là nguyên nhân của dục.
Lại nữa, này các Tỷ – kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ – kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do chính dục làm nhân.
Này các Tỷ – kheo, thế nào là sự xuất ly các dục? Này các Tỷ – kheo, đây là sự điều phục dục tham đối với các dục, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các dục”.
|
Chú thích: 1. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
Tâm Thành
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 71