Được khai quật vào năm 1902, những hiện vật liên quan đến di tích Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) cho thấy giá trị đặc biệt của nền văn hóa Champa, trong đó có những đài thờ hoành tráng, đặc biệt là đài thờ Đồng Dương 22.24.
Theo 3 tiêu chí được đưa ra, đài thờ Đồng Dương 22.24 là đài thờ đầy đủ, hoàn chỉnh, độc đáo nhất, nguyên gốc độc bản với các nội dung được thể hiện qua hình thức riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ đài thờ nào khác trong nền văn hóa Champa tại Việt Nam.
Đài thờ cũng là bằng chứng vật chất độc đáo, thể hiện giai đoạn Phật giáo thịnh hành và phát triển nhất trong lịch sử của vương quốc Champa, đánh dấu một giai đoạn phát triển riêng biệt so với các thời kỳ khác của vương quốc này nói riêng và văn hóa Champa nói chung, là cứ liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc…
Những đường nét điêu khắc và hoa văn trên hiện vật cũng là yếu tố đặc trưng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Đồng Dương.