Theo Hòa thượng Thích Thiện Thành – Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng ban Trị Sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Nam, đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ Trung Quốc. Còn trong giáo lý nhà Phật không hề có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày lễ thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ, hoặc làm lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh.
Hòa thượng Thích Thiện Thành khẳng định, hiện nay tại hầu hết cơ sở tự viện (chùa) trong tỉnh không hướng dẫn và thực hiện nghi thức đốt vàng mã để cúng người âm. Việc đốt vàng mã chỉ phổ biến rộng rãi tại tư gia một số người dân và Phật tử… Đây là một vấn đề trong tâm lý người dân, do người này truyền tai (bắt chước) người kia mà đốt vàng mã. “Thời gian tới, GHPG tỉnh sẽ hướng các chùa tổ chức tụng kinh Dược Sư, niệm Phật, cúng Phật để cầu an cho tín đồ cũng như bà con nhân dân. Qua đó, hướng dẫn chư Tăng Ni trụ trì các cơ sở thường xuyên thuyết giảng, khuyên răn mọi người làm điều tốt đẹp, tích đức hành thiện, tạo nên sự đoàn kết, hòa thuận, tuyệt đối không nói những lời sai trái, hành vi trái với luân thường đạo lý” – Hòa thượng Thích Thiện Thành nói.
Mới đây, Trung ương GHPG Việt Nam có Công văn số 31 về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong đó, GHPG Việt Nam đề nghị hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết, thực hiện công văn này, GHPG tỉnh sẽ hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Đồng thời đề nghị chư tôn đức Tăng Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua đó chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; góp phần lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo khác trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.
Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết: “Giáo hội sẽ có công văn chỉ đạo phổ biến rộng đến các ban ngành, ban trị sự Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố, chư tôn đức trụ trì các tự viện trong toàn tỉnh, thực hiện các nghi lễ đúng theo truyền thống Phật giáo, tổ chức các khóa lễ giao thừa, cầu an đầu năm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Giáo hội. Chú trọng yêu cầu trang nghiêm các cơ sở tự viện, khuyến khích các tự viện không để tình trạng bán sách tử vi, bói toán bói quẻ hay các hoạt động làm mất trật tự mỹ quan tại các cơ sở tự viện; thuyết giảng, khuyến tấn Phật tử và khách hành hương xoay quanh các chủ đề như: mừng xuân an lạc, vui xuân tiết kiệm, chánh kiến, nhân quả, pháp hội Dược sư, bài trừ mê tín dị đoan…
Anh Đông