...

    Cây cao bóng cả của đời con

    (QCB) – Trong cuộc đời, ai cũng sẽ trải qua những năm tháng vui vẻ, lưu dấu những kỉ niệm đẹp và còn may mắn gặp được những người có duyên với mình, những người chỉ dạy cho ta kiến thức, những người nâng đỡ ta vượt qua mọi chông chênh, bão tố cuộc đời. Sư phụ – Người thầy cũng là người cha thứ hai đã mang đến cho tôi một đời sống mới, mở ra một chân trời mới. Người đã dìu dắt, dạy dỗ và cho tôi cơ hội để phát triển bản thân từ ngày còn thơ.

    Khi còn để chỏm, những lúc được Sư phụ dẫn đi, đến nơi nào Người cũng chỉ cái này hay, cái kia đẹp, con nhớ học hỏi để về làm đẹp cho chùa mình. Nhìn lên những dòng Hán tự tại các ngôi chùa cổ, tôi không biết chữ nên không biết là gì, Sư phụ đọc từng câu, giải thích từng chữ cho tôi hiểu, rồi bảo: “Hôm nay, con không biết, thầy đọc cho con nghe nhưng ngày sau, con phải là người đọc lại cho thầy nghe. Sau này, con học gì cũng được nhưng chữ Hán nhất định phải học để biết Kinh, biết Luật của Phật mà hành trì”.

    Có lẽ thời của Sư phụ không được đầy đủ như cuộc sống chúng tôi bây giờ nên Người sống rất cần kiệm. Những bộ quần áo Sư phụ mặc đâu còn được nguyên vẹn, không vá chỗ này thì vá chỗ khác, màu áo phai bạc, đâu còn đẹp như ngày nào, trong khi có người phát tâm cúng vải may đồ thì Người lại đem cúng dường các chùa khác. Nhìn hình ảnh Sư phụ nhặt lên những chiếc nón, những đôi dép còn dùng được, khi không có người nhận, để về dùng mà lòng tôi thấy hổ thẹn vì bản thân còn quá phung phí với những vật dụng xung quanh. Sư phụ tiết kiệm từng bao nilon, từng hộp nhựa hay từng cái áo cũ… Cái gì Sư phụ cũng nhặt về cất để lần sau dùng. Những hành động, cử chỉ của Người đã dạy cho chúng tôi biết quý trọng và giữ gìn vật dụng thường ngày, không tiêu xài hoang phí và biết sống đời Thiểu dục tri túc của một vị Tu sĩ xuất trần.

    Nhiều hôm phụ Người, khi tôi làm thì đâu biết Sư phụ ở phía sau quan sát. Có những lúc chỉ vì muốn cho xong việc mà tôi bất cẩn hoặc làm không đúng ý Sư phụ, Người ở sau nhưng không nói một lời, chỉ im lặng đến gõ vào tay tôi một cái rõ đau, không cho tôi làm nữa, rồi tự tay mình làm lấy. Những điều dạy không lời của Người khiến tôi phải tự mình học cách để ý, tự mình học cách quan sát. Người tạo cho tôi những cơ hội, những nguồn động lực để tự khám phá tiềm năng bên trong mình. Sư phụ hay nói: “Đánh trống không được bỏ dùi, làm việc đến nơi đến chốn, lấy ở đâu thì đặt lại chỗ đó, khi con đi ra ngoài người khác sẽ nhìn con làm mà chẳng có ai cầm tay chỉ cho con phải làm như thế nào…”.

    Tôi ham chơi, suy nghĩ chưa thấu đáo nên đâu biết được ý nghĩa trong hành động của Người. Sinh con ra, ai cũng mong muốn con nên người, thành tài. Sư phụ cũng vậy, Người thay song thân, nuôi dưỡng tôi lớn lên từng ngày, mong tôi nên người, sợ tôi học theo những điều không tốt rồi đánh mất bản thân.

    Còn nhớ hôm đó, tôi cùng sư chị trong chùa tự ý đi vào nhà sư chị khác chơi mà không xin phép Sư phụ. Hai chị em âm thầm đi rồi canh giờ về kịp tụng kinh, mong không bị Sư phụ phát hiện… Về đến chùa, xong thời chú Đại Bi, bắt đầu vào tụng kinh thì Sư phụ nhẹ nhàng đến chỗ tôi xếp cuốn kinh lại, không nói một lời, tay Người nắm tay dẫn tôi về phòng. Lúc này, tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả, nhìn Sư phụ im lặng nên tôi cũng không dám hé một lời, cứ đứng đấy rồi mắt nhìn xuống chân. Một lúc sau, Sư phụ bảo tôi xả y, lên đơn nằm úp xuống, rồi Người đi ra. Chờ đến một lúc Sư phụ vào lại nhưng trên tay lại cầm theo một cây roi rồi bắt đầu đánh lên mông tôi, hỏi hôm nay đi đâu, đi với ai, sao không xin phép ai mà đi… Người là vậy đó, lo lắng có, thương yêu có. Người sợ chúng tôi ỷ lại, dựa dẫm vào tình thương Người dành cho rồi phát sinh những thói hư tật xấu.

    Có những ngày đi làm từ thiện về, dù mệt lả vì say xe nhưng chỉ cần nhìn đồng hồ vẫn còn kịp giờ chúng tụng kinh, Sư phụ bỏ lại sau lưng những mệt nhọc, thay y áo, lên chùa để tu tập cùng đại chúng. Dù đã có tuổi nhưng chưa một lần Người than vãn mệt mỏi, tận dụng mọi khoảng thời gian để tụng niệm. Nhìn sự tinh tấn của Sư phụ, chị em chúng tôi cũng không dám giải đãi, chị trước em sau, nối gót Người lên chùa tụng kinh.

    Thế giới ngoài kia rộng lớn, mà tri thức chúng tôi còn quá nông cạn, chưa hiểu sự đời ra sao. Từ giã Sư phụ, chúng tôi lại lên đường tiếp tục hành trình học vấn của mình… Rồi đến ngày xa Người vào Sài Gòn học, Sư phụ chỉ dạy: “Mấy chị em lo học hành đến nơi đến chốn, học xong về phụ Thầy lo việc chùa chiền”. Hôm ấy chào Sư phụ, ba chị em đi ra đến cổng vừa bước chân lên xe thì nghe tiếng Sư phụ vọng ra: “Mấy con đi đó à”. Trưa nắng, dưới mái hiên chùa, nhìn bóng Sư phụ một tay cầm nón, tay còn lại quẹt trên mặt, mắt dõi theo chúng tôi. Dù không đứng gần nhưng tôi biết lúc này Người đang khóc rồi chúng tôi cũng khóc theo, có lẽ đó là lần đầu tiên tôi thấy Sư phụ để lộ tình cảm cho chúng tôi thấy. Xe lăn bánh đưa chúng tôi đi, bóng Người khuất dần sau cánh cổng chùa, còn chúng tôi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình dang dở của mình…

    Thời gian trôi qua, Sư phụ mỗi ngày mỗi có tuổi, cũng là lúc chúng con phải tự mình trưởng thành. Sư phụ ạ, con không hiểu chuyện như mấy sư chị, không phải là người giỏi giang như Người mong đợi, nhưng con tự hứa với lòng sẽ cố gắng tu học thật tốt. Con nhớ ngày đầu tiên vào chùa, Người gặp con, bảo: “Nhìn con không biết có tu được không?”. Tuy nói vậy, nhưng Sư phụ vẫn nhận rồi thế phát xuất gia cho con. Giờ ngẫm lại, con mới thấy lời Sư phụ chứa đựng bao hàm ý. Tương lai, không ai nói trước được điều gì, chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay, con mới biết mình có tu trọn kiếp hay không mà thôi!

    Không tình cảm đong đầy, không thiên vị phân biệt, không một lời giải thích, cũng không màng đến việc đệ tử có thấu hiểu, thương yêu hay ghét bỏ. Sư phụ đã dạy cho chúng tôi biết trách nhiệm của một người Thầy ra sao, cách dạy đệ tử thế nào và những phẩm hạnh mà một người xuất gia cần có. Bất chợt nghe được bài hát Hoài niệm Ân sư , tôi thấy hình ảnh của chính mình, hình ảnh của Sư phụ trong đó: “Ngày xưa chơ vơ, thời còn ấu nhi tuổi xanh thơ dại. Thầy thay song thân, Thầy thay Thế Tôn dưỡng nuôi thâm tình. Thầm lặng vượt bao khó khăn. Tình Thầy ngời như ánh dương. Thầy thấu suốt, nội tâm con, buồn vui ra sao. Thời gian trôi qua, đời con lớn lên, tấn tu đạo nghiệp, Thầy khai cho con, từng trang sách Kinh, áo y chu toàn. Trường đời Thầy lo đến nơi, trường đạo Thầy ban Pháp âm, nghĩa ân lớn lao cao rộng Thầy ơi…”.

    Cả một đời, Người luôn âm thầm hy sinh, lặng lẽ chăm lo, nuôi dưỡng chúng con lớn lên từng ngày. Hình ảnh của Người là tấm gương sáng, soi đường dẫn lối cho chúng con vượt qua mọi chông chênh trên bước đường tu đạo. Chúng con biết phải làm sao mới báo đáp được ơn sâu của Người? Hôm nay, con không còn ở cạnh Sư phụ như trước nữa, nhưng những kỉ niệm cùng Người mãi lưu dấu trong tâm. Những điều dạy không lời của Sư phụ sẽ theo con suốt cả quãng đời còn lại trên bước đường tu tập của mình. Mỗi một hành động của Người đều cho con những bài học quý giá. Một người Thầy đặc biệt mà có lẽ là duy nhất con gặp trong đời. Thời gian không chờ đợi một ai, cảm nhận được lẽ nhân sinh vô thường, ở phương xa, con chỉ cầu mong Người nơi quê nhà, trải qua những ngày vô ưu, vô lo, thong dong, tự tại, kiếp này bình an – Sư phụ của con!

    Con đường mà tôi đang đi, nếp sống mà tôi đã chọn không suôn sẻ mà trải qua bao khó khăn, thử thách. Tu hành là một điều không hề dễ dàng chút nào, khi hằng ngày tôi phải thực tập quan sát thân tâm trong từng giờ, từng phút, từng giây, không để tâm ý buông lung, ngăn ngừa những tâm bất thiện sinh khởi. Khi bước chân trên con đường đạo đồng nghĩa với việc bản thân không phải sống một đời cho riêng mình, cho người thân của mình nữa mà phải sống cả cho người, cho tha nhân. Mỗi một người xuất gia đều mang trên mình sứ mệnh Hoằng pháp lợi sanh nên tôi tự ý thức, muốn làm được điều cao cả đó, bản thân phải thanh tịnh, an lạc thì mới đem chất liệu ấy đến với cuộc đời, mới giúp cho người vơi bớt những nỗi khổ niềm đau.

    Tôi của hôm nay không chỉ là con gái của riêng cha, riêng mẹ mà còn là con gái Đức Như Lai – Người Cha lành mà tôi tin theo và học hỏi suốt quãng đời còn lại, nhưng Như Lai hóa hiện ở cả mười phương thế giới. Mỗi một Đức Như Lai là mỗi một vị Phật với đời sống khác nhau, với những lời thệ nguyện độ thoát chúng sanh, là những người cha lành, những người thầy dẫn dắt tâm linh cho những đứa con của mình, là những người thầy thuốc trị những thứ bệnh khổ của chúng sanh, loại bỏ những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si, chấp ngã phiền não gây ra bao khổ đau trong cuộc đời. Mỗi một vị Phật, mỗi một vị Bồ tát đều là những tấm gương sáng, làm thức tỉnh con người bên trong chính tôi. Khi gặp những điều nghịch ý, bất đồng quan điểm với mọi người xung quanh, cũng có lúc khởi lên tâm sân giận vì những hiểu lầm, tranh chấp không đáng có. Rồi sinh ra những tâm niệm chán nản, không màng đến những thời khóa tụng niệm, tôi lại nhớ đến Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni với hạnh kham nhẫn, tinh tấn tu học mà tự thực tập sửa mình, không để những tâm bất thiện khởi lên, quay về an trú nơi ông Phật trong tự thân không dám buông lung.

    Trong cuộc sống, có những người có duyên và cũng có những người không có duyên, có những người dễ thương, tôi thương họ nhiều nhưng cũng có một số người chưa dễ thương, tôi không thương được. Có khi xa lánh, ghét bỏ, không tiếp xúc với họ. Những lúc như vậy, tôi lại nghĩ về Đức Phật A Di Đà với tâm nguyện bình đẳng luôn hướng về tất cả chúng sanh, theo dõi và thương yêu chúng sanh chẳng khác nào Mẹ hiền thương con thảo. Ngài Quán Thế Âm Bồ tát với lòng từ bi bao la rộng lớn, với một trái tim không biên giới, yêu thương hết thảy chúng sanh, tùy duyên ứng hóa thân mà cứu vớt chúng sanh thoát khỏi những đau khổ, trầm luân. Từ đó, lòng tôi thay đổi cách nhìn nhận, cách đối nhân xử thế, tập quán chiếu mọi người bình đẳng như nhau, thương người này được thì thương người khác được, giúp đỡ người này được thì giúp đỡ người khác được, không bỏ ai lại sau lưng. Thực tập cùng người vượt qua mọi khó khăn cuộc sống.

    Những lúc vì sân giận, tâm đố kỵ, lòng ích kỷ trong tôi trỗi dậy quá mạnh, khiến tôi giải quyết vấn đề theo những dòng cảm xúc bất ổn, sai xử mà làm tổn thương đến người, khiến họ phải trải qua bao đau khổ, chịu đựng bao nhiêu phiền não, tôi lại nhớ đến Đức Phật Dược Sư Lưu Ly mang trong mình ánh sáng của ngọc lưu ly, ánh sáng đó chiếu đến đâu thì phá hết những tăm tối vô minh của chúng sanh, đem lợi lạc và diệt trừ tất cả những bệnh khổ về thân và tâm, khiến chúng sanh xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát. Một đấng giác ngộ với lòng bi mẫn vô lượng thương yêu hết thảy chúng sanh. Với mười hai lời đại nguyện của mình, Ngài giúp chúng sanh tránh khỏi những đau đớn về thể xác và tinh thần, thoát khỏi những hiểm nguy, chướng ngại, giúp họ diệt trừ tam độc Tham – Sân – Si, cội nguồn của mọi bệnh tật và khổ đau. Nhờ vậy, tôi học sửa mình, đã không đem được niềm vui, hạnh phúc và sự bình an đến cho người khác thì không để ai phải vì mình mà chịu đau khổ, không để ai phải vì mình mà chịu tổn thương.

    Trong cuộc sống, có những người tôi không có duyên với họ, họ làm tổn thương đến tôi, họ nhìn nhận tôi không trọn vẹn và chính xác, làm nước mắt tôi rơi thì tôi lại nhớ đến ngài Di Lặc Bồ tát với tấm lòng bao dung và hoan hỷ, ngài Đại Thế Chí Bồ tát với lòng đại từ hỉ xả. Học theo hạnh nguyện của các Ngài khiến lòng tôi hoan hỷ, bình thản đón nhận những điều bất như ý đến với mình. Thực tập hạnh bao dung, bỏ qua và tha thứ cho người, không ghét bỏ họ, cũng không ôm ấp những tâm niệm thù hằn trong tâm trí.

    Mỗi khi làm việc gì mà chỉ nghĩ đến lợi ích và tổn thất của bản thân, không quan tâm đến người khác, có tâm niệm bất thiện khởi lên là họ có ra sao, đó là việc của họ, không liên quan đến mình thì tôi lại nhớ đến ngài Địa Tạng Vương Bồ tát với lời thệ nguyện vào trong địa ngục – Nơi chứa đựng những quả báo đau khổ tận cùng, để cứu độ chúng sanh thoát khỏi cảnh giới đó. Từ đó, tôi thực tập thay đổi bản thân, phát Bồ đề tâm dũng mãnh, cố gắng tu tập, thực hành Bồ tát đạo, rèn luyện tâm chân thành, không vị kỉ, không tự tư tự lợi, gieo trồng nhiều thiện căn để đem lại lợi lạc cho mình, cho người, khiến ai cũng được bình an, hạnh phúc.

    Có những lúc tôi ham chơi, không chịu học hỏi, ai hỏi đến gì cũng không biết thì tôi lại nhớ đến ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát với một trí tuệ tối thắng không ai sánh kịp. Tôi tự biết quý trọng thời gian, nỗ lực tìm tòi và học hỏi kiến thức, bù đắp lại những tháng ngày bị lãng quên. Bên cạnh đó cũng không thiếu những thói hư tật xấu, chỉ chuyên nhìn thấy lỗi của người mà chê bai, trách mắng, tạo không biết bao nhiêu nghiệp thì tôi nhớ đến ngài Phổ Hiền với mười lời đại nguyện. Từ đó, học theo hạnh nguyện của Ngài, xem tất cả mọi người đều là Phật, Bồ tát mà tôn trọng, cung kính, khen ngợi những điều hay ở họ, không thấy lỗi nơi người mà phản quang tự kỷ, soi xét chính mình, giữ gìn các nghiệp thanh tịnh, thực tập tạo phước điền, bố thí cúng dường.

    Những khi tôi làm điều gì bất chính, sai sự thật, tôi lại nhớ đến lời Sư phụ từng dạy. Có những hôm kết thúc thời kinh, Sư phụ hay dẫn tôi đi quan sát, sửa sang từng bàn thờ, đến chỗ ngài Hộ Pháp thì Sư phụ bảo: “Hộ Pháp chùa mình linh lắm, con làm gì cũng phải ngay thẳng, đoan chính, con mà làm sai cho dù không có ai biết, nhưng Ngài Hộ Pháp biết hết, ở đâu Ngài cũng có mặt hết con à. Con mà không ngay thẳng, Ngài sẽ đuổi con, không cho con ở chùa nữa”. Từ đó, tôi cố gắng thực tập, sửa chữa những thói hư tật xấu của chính mình, tập sống Chánh niệm hơn.

    Cuộc đời xuất gia của tôi trải qua những năm tháng an bình và hạnh phúc, khi may mắn được sống chung trong một Tăng chúng đông đảo và hòa hợp, được Sư phụ nuôi nấng, dưỡng dục, bao bọc và che chở tôi lớn lên từng ngày. Được sống trong sự tỉnh thức dưới ánh hào quang của mười phương chư Phật và được sự gia trì của chư vị Hộ Pháp Thiện thần mà tôi cố gắng thực tập sửa mình để mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn, tốt hơn hôm qua dù chỉ là một chút thôi. Được như vậy cũng là niềm vui lớn nhất trong tôi lúc này.

    SC. Thích Nữ Thanh Phát/tapchivanhoaphatgiao.com

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM