Cây nêu ngày Tết

Cây nêu ngày Tết

Không đặt nặng chuyện hoài cổ, xin hãy hướng thượng với cây nêu giữa bầu trời, bỏ qua những điều không may, những được thua, hơn thiệt của cuộc sống năm cũ, xin hãy trải lòng để sống thuận thảo với Trời Đất và vui đón xuân cùng thiên nhiên và mọi người. Và như thế, cây nêu ngày Tết mở đầu những ngày tống cựu nghinh tân đầy ấn tượng.

Cây nêu ngày tết tại chùa Trà Nam (H.Duy Xuyên)

Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người đang sửa soạn đón chào năm mới cùng với việc chuẩn bị cổ bàn để cúng gia tiên, tiễn đưa ông Táo về trời… thì cũng là dịp bắt đầu dựng cây nêu ngày tết trước cổng nhà. Phong tục này chỉ còn rất ít nhà người dân và các đền thờ, nhà chùa… duy trì gìn giữ. Theo quan niệm dân gian, chính vì từ ngày Táo quân về trời cho đến đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày 23 tháng chạp, chậm nhất là chiều 30 Tết cho đến ngày 7 tháng Giêng thì triệt hạ, gọi là ‘hạ nêu’. Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi. Trước khi dựng nêu, người ta lập bàn thờ trang nghiêm để cúng tế, cầu mưa thuận gió hòa, cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.

Nghi thức cúng trước khi dựng cây nêu ngày tết
Dựng nêu…

Cây nêu là một thân cây tre dài, thẳng, được dựng nơi trang trọng, rộng rãi; đầu thân tre được buộc một dải vải điều (màu đỏ) có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới, và một cái giỏ tre, trong đó có đựng cau, trầu, rượu, hoặc một số phẩm vật khác theo phong tục từng miền. Dĩ nhiên cây tre phải được chôn chặt và neo nhiều phía để tre đứng vững, khi đó tre chứng tỏ sự dẻo dai bền bỉ, dầu gió nhẹ hay mạnh, dù gió đông bắc hay tây nam, tre có nghiêng qua nghiêng về thì phần chính cây vẫn thẳng và cây không gãy. Người ta ví sự dẻo dai và vững chãi của tre như sức sống Việt Nam.

Theo học giả Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1972), sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:

Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước,còn Người chỉ làm thuê, và  nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn cho gốc”. Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức “ăn ngọn cho gốc”.

Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố  “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.

Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.

Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột… và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Cây nêu tại chùa Trà Long, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình
Cây nêu tại chùa Lộc Tân – xã Tam Tiến, huyện Núi Thành

Qua câu chuyện trên nhiều người cho đó là hủ tục, mê tín dị đoan. Hãy khoan! Chúng ta đừng vội quy kết, mà hãy nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong câu chuyện để thấy được tính nhân văn, nhân đạo của nó mà cảm nhận được ý nghĩa cao quý của việc trồng cây nêu ngày Tết như thế nào.

Trước hết, cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ nhà cửa…

Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn. Không những thế, trên cây nêu, ông cha ta còn treo đèn lòng vào buổi tối với ý nghĩa để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng con cháu. Đây cũng nói lên ý nghĩa cao quý của tộc Việt qua tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ ông bà tổ tiên như thế nào.

Câu chuyện này cho thấy tinh thần nhập thế độ đời của đạo Phậtđức Phật xuất hiện một cách gần gũi trong đời sống của con người, nhất là người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành quả lao động vẫn còn trong chờ vào trời đất. Đức Phật không những chỉ dạy cho con người về nếp sống đạo đức nhân tâm mà còn dạy con người biết nghề trồng trọt, chăn nuôi hợp thời, hợp thổ nhưỡng.

Trong sự tích này còn có một triết lý rất nhân đạo đó là lòng bao dung độ lượng. Khi đối phương đã thất bại, đã đầu hàng thì phải mở cho họ một con đường sống, hãy mở rộng lòng thương mà khoan dungtha thứ cho họ, đừng dồn họ vào con đường cùng, bế tắc. Tính cách này đã được thể hiện trong huyết mạch của lòng người dân Việt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước tinh thần này đã được thể hiện qua các triều đại của những vị Vua anh minh đã làm cho kẻ thù phải khấu phục, chuyển thù thành bạn.

Ngoài câu chuyện trên, còn có nhiều dị bản kể về tục dựng cây nêu ngày tết. Chẳng hạn như truyện Nông dân với Thành hoàng của người miền Đông Chiết Giang (Trung Quốc). Người Pháp có truyện Nông dân với quỷ. Truyện ngụ ngôn Con cáo và con gấu của người Nga cũng có những hình ảnh tương tự. Đồng bào Tày cũng có một truyện giống với các truyện trên nhưng không có kết cục cây nêu. Truyện Sự tích hồ Hai bể do người Dao kể phần nào cũng giống với truyện của đồng bào Tày. Đồng bào miền Nam có người kể truyện Cây nêu ngày Tết về Thiên linh cẩu và nhà sư Khương Thượng. Về hình tượng Phật tậu Quỷ một miếng đất rộng bằng chiếc áo cà sa, người Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie) ở Nam Xi Bê Ri (Sibérie) cũng có truyện gần giống…

Ông đồ cho chữ ngày tết

Tóm lại, tục cây nêu ngày Tết mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp, ngày nay tục này dường như bị người ta quên lãng, cây nêu ngày Tết cùng chịu chung số phận của ông đồ cho chữ:

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay”

Và để rồi mỗi ngày Tết về câu đối tết:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Chỉ còn trong tiềm thức của những người dân Việt trong thời hiện đại mà thôi. Quả thật đây là một mất mát không nhỏ trong văn hoá của người Việt, là một thiệt thòi lớn cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

 Nhật Quang

admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *