...

    Chữ hiếu xưa và nay

    Đạo Phật ra đời đã hơn 2500 năm, những gì mà Phật dạy không ngoài mục đích giúp xác lập trật tự bình đẳng và sự bình an cho xã hội loài người trên con đường đoạn tận khổ đau, trong đó đạo Hiếu là căn bản.

    “Hiếu tâm tức thị Phật tâm,
    Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh”
    Một thông điệp ngắn nhưng hạt giống nhân bản vô cùng lớn, trên hết là tính cách mạng về giáo dục đạo đức của Phật giáo. Bậc Đạo Sư khi dạy điều này Ngài đã đặt mình ở vị trí của một người làm con nói về hạnh hiếu, chứ không phải ở vị trí của bậc đã viễn ly sinh tử. Ngài dạy rằng Thế Tôn cũng là người đại hiếu và tất cả các con cũng phải như vậy: “Khể thủ tam giới chủ, đại hiếu Thích Ca văn” (sớ Vu Lan), tâm hiếu tức tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
    Gương hiếu xưa…
    Câu chuyện tiền thân “Hiếu Tử Sàma”[1]. Có chàng trai thuộc gia đình giàu có ở thành Xá-vệ, vì mộ đạo nên xuất gia. Khi xuất gia một thời gian và làm Tỳ-kheo, gia đình của thầy lâm vào cảnh khốn khó, cha mẹ thầy phải lang thang xin ăn, khi hay tin cha mẹ như vậy, sầu thương nổi lên và thầy buồn khóc thật nhiều, nghĩ rằng mình phải trở về gia đình để lo cho cha mẹ. Nghĩ vậy,trên đường hoàn tục để quay lại quê nhà tại Xá-Vệ, thầy đã đến Kỳ Viên để đảnh lễ Phật lần cuối, quán thấy những bất an của vị Tỳ-kheo này nên bậc Đạo Sư đã dạy, một người con đi xuất gia vẫn lo được cho cha mẹ mình. Hôm sau trên đường về, thầy đã gặp cha mẹ đang ngồi xin ăn bên vệ đường, thầy không kìm lòng được và đã cúng dường hết cho cha mẹ phần thức ăn mà thầy đã khất thực, hôm sau thầy cũng phụng dưỡng cha mẹ bằng cách đó.
    Việc làm này của thầy đã gây ngờ vực cho các thầy khác, rồi đem chuyện này trình lên đức Phật, Phật cho gọi vị Tỳ-kheo trẻ đến và hỏi: “ Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không? Đó là người thế tục nào?. Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, có, đó chính là cha mẹ của con”. Phật tán thán việc làm đó và dạy: “Lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ Ta”.
    Các vị Tỳ-kheo khi xuất gia tu hành, dù cắt ái từ thân thực hiện nếp sống viễn ly, nhưng trên phương diện đạo đức xã hội, phụ mẫu tình thâm nên vẫn phải làm tròn bổn phận đạo con.
    Vào thời đức Phật có Tôn giả Tất- Lăng-Già-Bà-Ta, sau khi xuất gia hành đạo, nhưng còn cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm cúng dường cha mẹ, nhưng vì sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó, đức Đạo Sư họp các Tỳ-kheo và truyền dạy: “Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng” (Luật Ngũ phần)[2].

    Trong lịch sử nước ta, đạo hiếu có lúc được quy định rõ trong hiến pháp, sự tiến bộ của hình pháp đã có từ thời Lê Sơ thông qua “Quốc triều hình luật”[3] hay gọi là Bộ luật Hồng Đức, cán cân luật pháp thể hiện tính nghiêm minh thông qua quy phạm của luật hình sự, các tội nặng nhẹ được phân định rõ ràng, đặc biệt các tội được gọi là “tội ác” gồm có 10 loại: “Thập ác”
    Điều 7 trong thập ác quy định về tội bất hiếu: “ Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường, và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu.
    Đến triều Nguyễn, tấm gương hiếu hạnh được nhắc nhiều là thời vua Tự Đức, vua Tự Đức là vị vua có Hiếu[4] với mẹ bậc nhất trong 13 vị Hoàng đế Triều Nguyễn.
    “Trải qua 36 năm làm Vua trên ngai vàng, Vua Tự Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe mẹ, đồng thời nghe lời truyền bảo của mẹ, nếu có điều gì quan trọng đáng lưu tâm thì ghi ngay vào quyển sổ tùy thân mà nghiền ngẫm. Đó là, quyển sổ từ huấn lục (quyển sổ chép lời mẹ dạy), còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, chớ không vì làm Vua có vạn năng quyền thế mà lơ là bổn phận làm con”. (Tìm Hiểu Các Danh Nhân – Nguyễn Phú Thứ)
    Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ sách lịch sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, biên soạn thời Tự Đức, có thuật lại tấm gương hiếu của Thiền Sư Nhất Đinh, khi mẹ thầy bị bịnh nặng, Thiền Sư lặn lội lập An Dưỡng Am để cõng mẹ về cùng nương nấu và cũng thuận đường tu tập.
    Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ. Phụng sự cha mẹ được công đức lớn, được quả báo lớn như cúng dường cho vị Bồ Tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật. Vì vậy, các thầy phải luôn luôn ghi nhớ mà hiếu thuận phụng sự cha mẹ”.
    …Chữ hiếu nay
    Thương cha xuôi ngược giữa dòng
    Mẹ yêu tất tảo gánh gồng nuôi con
    Ngày nay kỹ nghệ thông tin bùng nổ như thác lũ, chúng ta sẽ tiếp nhận rất nhiều nguồn thông tin: internet, truyền hình, báo mạng, điện thoại di động…trong dòng thác đó, tốt có, xấu có, thông tin qua lại trong gia đình từ đó ngày một giảm dần, con cái ít nhận thông tin từ cha mẹ, lơ là hiếu đạo, tình cảm xa cách.
    Người ta dự báo rằng, hiện tại cũng như tương lai, thân tướng con người sẽ như que diêm, nhưng bộ não sẽ phải phì đại như trái bóng vì nạp lượng thông tin quá lớn, mặt trái của nó, thức ăn là lượng thông tin nhưng đầy rẫy virus, kết nối cuộc sống trên cộng đồng mạng và tìm quên trong thế giới ảo, xa rời đời sống thực tại, xa rời cội nguồn văn hóa tâm linh truyền thống, làm trật tự xã hội bị đảo lộn, cha mẹ ít có điều kiện gần gũi, chữ hiếu bị lãng quên.
    Cuộc sống hối hả, tình người hời hợt, kẻ sống đua đòi, háo danh, lắm lúc quên đi tình cảm thiêng liêng nhất là gia đình, quên rằng mình chỉ có duy nhất một người cha và một người mẹ trên đời, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh chưa từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là con trai, là con gái của các Thầy trong bước đường dài của sự tái sinh”. (Tương Ưng Bộ Kinh II).
    Gia đình, nơi có cha, có mẹ, có anh, có em.. vốn là nơi kết nối ân tình, là mầm móng yêu thương và phát triển nhân cách, là nơi chốn bình yên mỗi khi ta tìm về thì nay ta đã vô tình quên lối, từ đó mới xảy ra nhiều những sự việc đau lòng cho xã hội.
    Chuyện bao đời nước chảy xuôi chứ chẳng bao giờ chảy ngược, cha mẹ khổ nhọc sớm hôm tần tảo nuôi con ăn học thành tài, làm ông này, bà nọ..là chuyện thường, nhưng khi con thành tài chăm lại cha mẹ không phải là nhiều, thậm chí chuyện con làm phật lòng cha mẹ, có kẻ nghịch tử còn đánh cha chửi mẹ, chuyện đó không phải ít trên các báo hằng ngày từng đăng tải.
    Có câu chuyện “Đôi mắt người mẹ” từng đăng trên báo chí: “Có một người con lúc nào cũng căm ghét mẹ mình, vì bà nghèo, xấu, lam lũ và chỉ có một con mắt. Người con này học hành chăm chỉ nên được du học, thành đạt và có vợ con, thỉnh thoảng anh ta gửi tiền về và mua căn nhà nhỏ cho bà, rồi tự nhủ đã làm tròn bổn phận con cái, cắt đứt mọi liên lạc với bà.
    Ngày kia có một bà già lam lũ đến trước cửa nhà anh ta, làm mấy đứa con anh ta hoảng sợ, anh ra quát “Hồi nhỏ, bà đã làm cho con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ bà còn định phá hỏng cuộc sống của con hay sao”? Bà nói xin lỗi vì nhầm địa chỉ và lặng lẽ rời đi.
    Rồi bà qua đời trong hiu quạnh không ai hay biết, bà để lại một lá thư cho người con trai.
    “Con yêu quý! Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi và ân hận về việc đã làm cho con xấu hổ và các cháu sợ hãi. Con biết không hồi con còn nhỏ, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ.
    Mẹ yêu con lắm….”.
    Đọc xong câu chuyện lại nhớ hai câu thơ trong bài thơ “Mắt buồn” của Bùi Giáng, “Bây giờ riêng đối diện tôi, còn hai con mắt một con khóc người”, khóc đây xin khóc cho đôi mắt người mẹ với hạnh vô úy thí của vị Bồ tát, đã cho người con nhìn thấy thế giới bằng đôi mắt của mình, nhưng người con kia lại vô minh như “Gã Cùng Tử” trong kinh Pháp Hoa. “Thủ khoa đỗ đạt trạng nguyên, khôn mình mà vẫn là người Ngu si”.
    Nhưng cũng không hiếm chuyện những người mẹ trẻ thời nay nhẫn tâm vứt máu mủ ruột rà của mình vào những hầm rác, hố xí, bồn cầu…với những tội ác được biện mình bằng sự lầm lỡ, ích kỷ mà ngay cả con vật cũng không hành xử như vậy.
    Báo vnexpress từng đăng tải câu chuyện người phụ nữ 21 tuổi đã nhẫn tâm đem con trai 11 ngày tuổi bỏ xuống mương nước cách nhà khoảng 100 m. Sau đó, cô ta vào nhà tự lấy vải bịt miệng, trói chân tay của mình lại và la lên tạo hiện trường giả như một vụ bắt cóc. Đó là một tội ác, là tội giết người, rất đáng lên án.
    Ngày nay, do các chuẩn mực bị lệch lạc, có người cho rằng thực phẩm quan trọng hơn nhân phẩm, lương thực quan trọng hơn lương tâm. Đó là vì ngưỡng cửa vào đời đã mở nhưng chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại chưa được xây dựng, nhiều ban trẻ thiếu một thanh gươm trí tuệ và tình thương yêu đồng loại, sự nhường nhịn đủ lớn, nên khi ra đường chỉ vướng một cú va quẹt xe rất nhỏ nhưng lại xảy ra án mạng.
    Rồi rột người thanh niên chẳng may bị cướp giật rớt túi tiền, người đi đường lương thiện thấy vậy, thay vì giúp đỡ ngươi gặp nạn, nhưng lại chọn cách biến mình thành kẻ cướp, tranh dành những đồng tiền rơi rải vô tội của người bị nạn
    Lời kết
    Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục Độ Tập Kinh, hiếu đâu phải chỉ thương cha thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải “Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của hạnh ’’[5].(Lục độ tập kinh 2), từ đó hiểu rõ hơn đạo hiếu của Việt Nam: “Tôi ở đời lâu năm, tuy thấy Nho sĩ tích đức làm lành, há có ai như đệ tử Phật quên mình cứu người, âm thầm mà không nêu danh” (Lục độ tập kinh 5).
    “Người Việt [6] phải xác định mình có một nền văn hóa, một nền đạo đức cần phải bảo vệ, nếu không nối dõi được thì dân tộc không thể tồn tại với tư cách là một dân tộc được. Xuất phát từ quan điểm nối dõi như thế, người Việt không đi đến một chủ nghĩa nối dõi cực đoan, như sự nối dõi về mặt sinh vật học của chủ nghĩa ưu sinh (eugenics) hiện đại, gây tác hại và tốn bao sinh mạng đối với những dân tộc khác, như hành động xâm lấn đất đai, biển đảo từ xưa cũng như gần đây của Trung Quốc. Bảo vệ nền văn hóa của mình, bảo vệ lối sống (hạnh) của mình, đó chính là đạo hiếu của Việt Nam’’.
    Cuộc sống bộn bề vốn kèm theo sự xung đột giữa chuẩn mực mới và cũ, ở đó bóng đêm luôn rình rập, trong trạng huống này duy chỉ có ánh sáng là đủ quyền năng, muốn vậy phải có đủ trí tuệ để tìm ra cách hành xử khôn ngoan, để giải thoát ta ra khỏi bóng tôi mê mờ, vừa không bị cuốn theo ma lực hào nhoáng của tiền tài, danh vọng (ngũ dục), vừa giữ được đạo làm con, vừa giữ được hạnh phúc gia đình và sự thịnh vượng xã hội, ánh sáng đó nhà Phật gọi là Trung đạo, hay khái niệm Balance trong kinh tế.
    Đạo Phật ra đời đã hơn 2500 năm, những gì mà Phật dạy không ngoài mục đích giúp xác lập trật tự bình đẳng và sự bình an cho xã hội loài người trên con đường đoạn tận khổ đau, trong đó đạo Hiếu là căn bản.
    Ngày nay thế giới loài người phải chăng là một chuỗi suy vong các giá trị, những điều tốt đẹp thuở ban đầu dường như về sau suy yếu dần, nhưng chắc chắn một điều rằng, trong khu rừng rậm rạp u tối kia đâu chỉ có mỗi loài hoa độc, mà ở đó vẫn có những đóa hoa như đẹp như lan rừng nên Phật mới dạy chúng ta phương cách để vào đó tìm kiếm và hành xử vì đạo Hiếu dẫn đầu các đạo, có Hiếu là có đạo, hiểu đạo là Hiếu đạo.
    Mùa Vu Lan, PL.2555
    Huệ Lưu (Bắc Giang)
    Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 04/2015
    ——————————————
    Diễn đàn hát Văn Việt Nam: hatvan.vn
    [1] Tiểu Bộ Kinh, Nikaya-Trần Phương Lan dịch
    [2] Theo gương báo hiếu của người xuất gia- Thích Phước Sơn
    [3] Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Lu%E1%BA%ADt_H%E1%BB%93ng_%C4%90%E1%BB%A9c
    [4] Tìm Hiểu Các Danh Nhân, trang 279 đến trang 281, tác giả Nguyễn Phú Thứ
    [5] Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Quan niệm về chữ hiếu của dân tộc Việt Nam, Lê Mạnh Thát
    [6] nt

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM