Ngày 21/09/2000, Bộ VHTT (nay là Bộ VH TT&DL) đã công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia. Đến ngày 17/08/2011, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương” nhằm tìm ra phương án tối ưu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này trước nguy cơ “xóa sổ”. Tiếp đó, ngày 6/4/2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định “Trùng tu khẩn cấp tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương” trước nguy cơ sụp đổ. Cuối tháng 1/2014 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt cho khu đền tháp Đồng Dương.
1. Danh xưng Đồng Dương có tự bao giờ?
Ảnh: Hướng dẫn vào di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương
Người Chăm còn có các tên gọi khác như Campa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời … với các nhóm Chăm địa phương như Chăm Bàni (hay Chăm Awal), Chăm Bàlamôn (hay Chăm Ahiêr), Chăm Islam, Chăm Hroi, Chăm Châu Ðốc, …
Trong lịch sử, người Chăm đã từng bước đặt nền móng của mình trên lãnh thổ miền Trung Việt Nam và có địa bàn ảnh hưởng khá rộng. Thuở ấy, người Chăm có địa bàn phân bố khá rộng, kéo dài từ phía nam đèo Ngang (Quảng Bình) đến vùng đất Ninh – Bình Thuận ngày nay. Họ thuộc chủng Nam Á (Austro – Asiatic), ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo hay Nam Đảo (Malayo – Polynesian).
Ngày nay, tuy địa bàn phân bố của người Chăm bị thu hẹp, sống chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số ít ở Lâm Đồng, Phú Yên và phía tây Quảng Ngãi, trong đó cộng đồng người Chăm Ninh Thuận là đông nhất chiếm gần 50% trong tổng số người Chăm ở Việt Nam.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, người Chăm là cư dân bản địa, hậu duệ của người Sa Huỳnh phát triển lên, một bộ phận dân tộc Malayo – Polinesien (Mã Lai – Đa Đảo) ở hải đảo Đông Nam Á di cư vào với những đặc điểm rất rõ như “người nước đó (Chămpa) mắt sâu, mũi cao, tóc quăn, da đen”.
Cố GS. Trần Quốc Vượng nhận đinh: “Người Chăm cổ hậu thân hay hậu duệ của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh – những người đã Sa Huỳnh hóa hay nói đúng hơn địa bàn hóa những ảnh hưởng mới của nền văn hóa Ấn Độ và trên nền tảng vốn cũ của văn hóa Sa Huỳnh mà xây dựng nền văn minh Chămpa nổi tiếng sau này”.
Còn theo Stephen Oppenheimer trong sách “Địa đàng ở phương Đông” khẳng định: “Người Chăm và cả cư dân Sa Huỳnh, được coi là tổ tiên của người Chăm, không phải là mới đến tương đối muộn ở bờ biển Đông Dương mà rất có thể đã cư trú ở Việt Nam từ thiên niên kỷ hai trước Công nguyên”.
Cùng quan điểm trên, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và trên thế giới đều có chung một nhận định là người Chăm là chủ nhân vùng đất này, kế thừa và phát triển từ những cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh. Đó là một bộ phận của nhóm tộc Mã Lai – Đa Đảo (Malayo – Polynesia) hay Nam Đảo (Austronesians), cư trú ở một địa bàn có phạm vi lãnh thổ khá rộng lớn ở hải đảo Đông Nam Á và ven biển lục địa Đông Nam Á từ rất sớm. Từ hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí (cách đây khoảng 4000 – 5000 năm), người Chăm đã có mặt, là hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh, trên nền tảng của nền văn minh này đã kế thừa và phát triển lên. Ban đầu, rất có thể, người Chăm có tên gọi khác. Về sau, khi thành lập nên nhà nước sơ khai thì họ mới có tên gọi là Chăm.
Sử chép, Đồng Dương là khu “đất Thiêng (nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm tín ngưỡng), thành phố Thiêng (nơi cư ngụ của vua và hoàng tộc, trung tâm vương quyền)” nên còn có tên gọi là khu thánh địa Indrapura.
Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định: “Tên của thủ đô mới Indrapura có quan hệ với người sáng lập ra vương triều – vua Indravarman II”. Indrapura là tên gọi có gốc tích từ tiếng Phạn – Sanskrit. Cũng có tài liệu ghi là loại chữ Chăm cổ. Những ý kiến này cũng đúng bởi lẽ, chữ Chăm cổ là một dạng biến thể của chữ Phạn – Sanskrit. Như vậy, khi cắt nghĩa chữ Indrapura ta dễ hiểu: Indrapura có nghĩa là “Thành phố của Indra” trong tiếng Phạn và là thủ đô của vương quốc cổ xưa của Champa trong nhiều thập kỷ, dưới triều đại của vua Indravarman II và một số người theo ông thuộc triều đại thứ 6 của vương quốc này.
Trong thần thoại Ấn Độ, Indra là tên gọi của một vị thần trong huyền thoại sử thi Vệ Đà của Bàlamôn giáo. Theo kinh Vệ Đà thì Indra là thần Sấm sét, là thần bão tố, là thần mây, là thần mưa và trên hết là thần của cuộc sống trong cổ sử Ấn Độ giáo. Indra là vị thần cai quản ba mươi ba cõi trời, là vị thần hộ trì phương Đông của thiên giới. Còn, Pura có nghĩa là đô thị, thành thị hay kinh thành. Kinh đô này được bia kí Đồng Dương ca ngợi là “thành phố được trang hoàng lộng lẫy như thành phố của thần Indra trên thiên giới”.
Cũng theo văn bia Đồng Dương cho biết, “Indrapura đã được lập nên từ thời xa xưa bởi Bhrgu và được gọi là Campa”. Như vậy, trước khi trở thành thánh đô hay kinh đô của vương quốc Chămpa thì Indrapura đã từng là quê cha đất tổ của của vị vua mới Indravarman II.
Tuy nhiên vẫn còn ý kiến khác về tên gọi này, chẳng hạn như theo D-G-E- Hall thì cho rằng: “Dưới thời vua IndravarmanII (854 -893), đức vua lập kinh đô lấy tên là Indrapura (tỉnh Quảng Nam) khôi phục quan hệ tốt với Trung Quốc và trong triều đại này các nhà sử học Trung Quốc bắt đầu gọi nó bằng cái tên thứ ba là Chang Cheng, có nghĩa là thành phố của Chan, theo tiếng phạn là Champapuro. Đây là một triều đại thanh bình nổi tiếng về cơ sở Phật giáo to lớn, một tu viện mà những dấu ấn đã được xác định ở Đông Dương Đông Nam của Mỹ Sơn. Đây là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của Phật giáo đại thừa ở Chămpa”.
Đồng Dương hay Indrapura chỉ hai trong số rất nhiều tên gọi để chỉ một địa danh của văn hóa cổ Chămpa, đó là những tên gọi gắn liền với một điểm tích trong nền văn hóa Phật giáo và Ấn Độ cổ, và có mối quan hệ hữu cơ với nền văn hóa cổ Chămpa trong lịch sử.
2. Trung tâm Phật giáo Đông Nam Á có quy mô như thế nào?
Giới hạn cương vực
Khi xác định lại cương vực của Phật viện Đồng Dương hay nói đúng hơn là khu đền tháp Đồng Dương thì có nhiều ý kiến khác nhau: Vương quốc Chămpa không phải là một quốc gia thống nhất, mà là một loại liên bang hợp lại của năm hầu quốc: Indrapura, Amaravati (Nam Ngãi), Vijaya (Bình Phú), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Phan Rang, Phan Rí) và mỗi hầu quốc có riêng kinh đô của mình. Indrapura là kinh đô của xứ Amaravati, là đô thị nằm trên địa bàn của Châu Amaravati, tọa lạc tại làng Đồng Dương, tổng Châu Đức trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Còn trong “Đại Nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có đoạn chép: “Huyện Lễ Dương có hai tháp ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn mươi trượng có nền cũ”. Hay, trong “Từ điển văn hóa Đông Nam Á phổ thông” của Ngô Văn Doanh nhận định: Indrapura “…nay là làng Đồng Dương – thuộc làng Đồng Dương, trên bờ sông Ly Ly, cách Trà Kiệu chừng 15 km về phía đông – nam – thuộc tỉnh Quảng Nam”.
Như vậy, làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay (cách Thành phố Đà Nẵng chừng 50 km về phía tây nam và kinh đô Trà Kiệu – Simhapura 15 km về phía đông nam) từng là vị trí tọa lạc của Phật viện Đồng Dương – kinh đô hay thánh đô Indrapura (xứ Amaravati) của vương quốc cổ Chămpa.
Quy mô của một Phật viện
Theo mô hình phục dựng cho thấy, toàn bộ khu vực chính được chia làm ba khoảng bằng nhau chạy dài từ tây sang đông theo một chỉnh thể thống nhất. Điểm giữa của khu di tích (nằm ở khoảng giữa cực tây) là một tháp lớn (đã bị đổ nát). Chung quanh tháp lớn là bốn điện thờ gồm tháp nam, tháp tây nam, tháp tây bắc và tháp bắc. Một bức tường bao quanh khu vực này tạo nên một khoảng sân chính cho Phật viện. Ở khu sân trung tâm còn có nhiều kiến trúc phụ khác như: 7 ngôi miếu, hai tháp có 4 cửa, hai tòa nhà (khu tịnh xá), trước cổng sân có hai cột trụ. Bên cạnh khu sân trung tâm (gọi là sân I) còn có các sân khác (gọi là sân II và sân III) với không gian nhà dài và hai cổng (mỗi cổng có hai trụ). Riêng khu sân IV là khu sân dài dẫn ngay tới cổng ngoài cùng. Đó chính là những mô tả chính yếu của khu Phật viện Đồng Dương.
Nhìn tổng quát kiến trúc đền tháp Đồng Dương là một cấu trúc dài 1330 mét chạy dài theo hướng đông – tây. Trong khu vực này, có một đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét. Từ đó, một con đường dài 763 mét chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Tiếp theo, theo hướng đông – tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau.
Toàn Phật viện chia thành 3 khu kiến trúc được tách nhau bằng các tường ngăn cách và kế tiếp nhau từ tây sang đông: khu chánh điện trung tâm; khu vực tịnh xá và giảng đường của Phật viện; và đáng chú ý hơn cả là nghệ thuật kiến trúc và xây dựng của khu đền tháp phía nam, phía tây bắc, phía tây nam và phía bắc.
Khu vực trung tâm của Phật viện, bao gồm tháp thờ (hay đài thờ) trung tâm (còn gọi là chánh điện), các tháp phụ và hơn 18 điện thờ nhỏ nằm dọc các chân tường nằm bao quanh. Đây là khu vực quan trọng vào loại bậc nhất của khu Phật viện, là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo trong Phật viện.
Khu Tăng xá hay tịnh xá đã bị đổ nát, chỉ để lại dấu tích của các bức tường, các thềm cửa, … Ngôi nhà chạy dài theo hướng đông tây và mở hai cửa ra vào ở hai đầu đông và tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài, những dấu tích còn lại như các bức tường quá mỏng và cách xa nhau. Theo H. Parmentier, tòa nhà dài ở khu II có kiến trúc là một ngôi nhà có mái lợp ngói không phải xây gạch hình tháp mà là ngôi nhà trú đơn giản. Mặc dầu không để lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc như ở khu tháp phía tây, nhưng một số tượng Thiện Thần bằng đá ở khu II lại là những tượng Thiện Thần đẹp nhất, gây ấn tượng nhất không chỉ của Đồng Dương mà còn của toàn bộ lịch sử nghệ thuật Chămpa.
Trong ảnh: một phần mảnh tháp Sáng còn sót lại.
Khu giảng đường tu viện Phật giáo là ngôi nhà dài đa chức năng, vừa là nơi để thuyết giáo, vừa là nơi để đón tiếp khách, vừa là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Gian nhà dài có kiến trúc khá đặc biệt: “Ngôi nhà chạy theo hướng đông tây và mở hai cửa ra vào ở hai đầu hồi đông và tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài… Gian nhà dài được dựng trên hai dãy tám cột. Chạy quanh gian chính dựng trên hai hàng cột lớn là các gian bên được dựng nối tiếp từ các cột lớn tới các cột nhỏ và thấp hơn bên ngoài. Các cột lớn và nhỏ được xây bằng gạch và đều vuông. Mặt ngoài của các cột lớn đều có lỗ hình chữ nhật ở tầm cao ngang với tầm đỉnh của các cột nhỏ”.
Khu vực phía sau của khu nhà dài được phủ kín bằng các cột, không có cửa ra vào như mặt phía trước. Khu vực này là khu vực trang nghiêm của gian nhà dài với một đài thờ lớn có cấu trúc, kích thước và trang trí gần giống và không kém phần quan trọng như đài thờ của chánh điện ở khu I. Trên toà đài thờ lớn này là hình tượng đức Phật Thích Ca, các vị Bồ Tát và các vị sư tổ nhà Phật. Đài thờ có kiến trúc khá đặc trưng của Phật giáo Chămpa.
3. Phật giáo du nhập vào khu đền tháp Đồng Dương tự bao giờ?
Phật giáo truyền vào Chămpa từ nửa sau thập kỷ đầu sau Công nguyên theo con đường thông thương trên cơ sở “hòa bình và tự nguyện” đã từng bừng sáng tại khu đền tháp Đồng Dương trở thành một biểu tượng sáng ngời của đất thánh Indrapura – kinh đô ánh sáng.
Con đường du nhập
Phật giáo chính thức du nhập vào Chămpa vào khoảng đầu thiên niên kỷ I. Ban đầu, Phật giáo truyền từ phía Nam sang. Về sau, do quá trình giao lưu và xâm lược, Phật giáo truyền cả từ trên phía Bắc xuống. Như vậy, có thể khẳng định, Phật giáo truyền vào Chămpa theo hai hướng, điều này đồng nghĩa là trong Phật giáo Chămpa có cả Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa (Mahayana).
Khi thịnh hành ở Chămpa, Phật giáo đã nhanh chóng trở thành một hệ tư tưởng của cư dân Chămpa. Nhiều khu vực và vùng đất trên khắp Chămpa đã từng lấy Phật giáo làm quốc giáo.
Từ thế kỷ VII, Champa bắt đầu dùng chính sách ngoại giao hữu nghị và hòa bình để bang giao với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Thể hiện qua động thái là Chămpa thường xuyên cử sứ giả đem sản vật cống nạp sang Trung Quốc và tiếp tục nuôi tham vọng là sẽ được có cơ hội trao đổi kinh tế và tôn giáo với Trung Quốc. Đơn cử như Thời Nam triều, con đường tơ lụa trên biển lại bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhiều tăng lữ, thương nhân, sứ giả triều đình Trung Quốc đi đến các quốc gia bằng đường biển. Hay chính những chuyến du hành của nhiều nhà tu sĩ Phật giáo từ Trung Quốc sang Ấn Ðộ thường hay ghé qua các hải cảng Champa là nguyên nhân chính yếu có sự hiện diện của Ðạo Phật Ðại Thừa trong vương quốc này. Và Ðạo Phật này đã phát triển mạnh mẽ ở Champa vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Cộng hưởng với vị trí, vai trò Đồng Dương là các trung tâm chính trị, văn hóa, và kinh tế lớn của Chămpa lúc bấy giờ, cũng là nơi thu hút thương nhân từ nhiều nước đến đây giao lưu thương mại.
Vào khoảng nửa đầu thế kỷ IX, tại vùng đất Amaravati, một tu viện Phật giáo đã được xây dựng. Tu viện này chính là kinh đô của tiểu vương quốc Indrapura. Tuy nhiên, văn bia An Thái và Đồng Dương đã ghi nhận thời điểm mà Phật giáo hưng thịnh tại khu đền tháp Đồng Dương là vào khoảng năm 902. Đó là mốc thời gian đánh dấu sự phát triển của Phật giáo tại Đồng Dương.
Khi vào Chămpa, Phật giáo Đại thừa đã nhanh chóng có tầm ảnh hưởng trong cư dân vùng Amarivati (Quảng Nam ngày nay). Và để rồi, đến nửa cuối thế kỷ IX, Phật giáo Đại thừa trở thành một hệ tư tưởng chủ đạo (Quốc giáo) trong đời sống văn hóa của cư dân tại Đồng Dương – Quảng Nam.
Tính chất Phật giáo Đại thừa
Phật giáo có hai hệ phái chính là Đại thừa và Tiểu thừa. Hai hệ phái này thực chất là hai luồng tư tưởng của Phật. Nếu Tiểu thừa chủ trương tu hành khổ hạnh để tự đạt tới chỗ giải thoát cho chính mình thì Đại thừa lại chủ trương cứu độ hết thảy chúng sinh. Từ cá thể đến tập thể, tư tưởng của nhà Phật phát triển từ thấp lên cao và mang đầy đủ đức “từ bi, hỷ xả”.
Nếu “Phật giáo Tiểu thừa chỉ thờ có đức Thích Ca Mâu Ni như một ông thầy lập giáo, các vị Phật và Bồ Tát khác không được thờ. Người tu hành thì mặt áo vàng và sáng sáng đi khất thực” thì Phật giáo Đại thừa “Đức Thích Ca Mâu Ni dần dần đi vào trong lý tưởng, biến thành một vị Phật như các vị Phật trong thần thoại…, ngoài đức Thích Ca còn có thờ thêm chư Phật và chư Bồ Tát. Những tu sĩ Phật giáo Đại thừa mặc áo nâu, áo xám, làm lấy mà ăn, không đi khất thực.”. Hơn nữa, “các vị cổ Phật siêu việt và các vị Bồ Tát là đề tài chủ yếu trong nghệ thuật của Đại thừa”.
Tại vùng đất Amaravati (thuộc Quảng Nam ngày nay), qua nội dung 3 bi kí (Đồng Dương I, II và An Thái) là hệ phái Phật giáo Đại thừa. Có thể thấy rõ từ văn bia An Thái (huyện Điện Bàn – Quảng Nam) viết hai mặt hoàn toàn bằng chữ Phạn – Sanskrit (mà theo giới nghiên cứu cho rằng là loại chữ Chăm cổ cải biên từ chữ Phạn – Sanskrit).Mặt trước và mặt sau của văn bia An Thái có nhắc đến những thánh danh cùng những thuật ngữ thể hiện nội dung tư tưởng thần bí, siêu nhiên và hệ thống thánh danh rất đa dạng như Quán Thế Âm (Avalokitecvara), Kim Cương giới (Vajradhatu), A Di Đà (Amitabha), Kim Luân (Cakradhatu) của các Bồ Tát Trì Pháp (Vajradhara), Kim Cương tát đỏa (Vajrasattva) là những đệ tử của các Phật Thích Ca mâu ni (Cakyamuni), Tì lô giá na (Vairocana). Văn bia có nói về sự xuất hiện Avalôkitesvara như đấng đại từ, đại bi, đã cứu với tất cả những người phạm tội thoát khỏi đọa đày ở địa ngục để cho Vajrapani giải phóng họ khỏi đó và đưa họ vào con đường của Phật.
Xác thực hơn ở văn bia có đoạn chép về tư tưởng Phật giáo Đại thừa: “Từ ý chí của ba vị Phật là Sakyamuni, Amitabha và Vairôcana đã nảy sinh ra ba giới của Phật (Buddhamamalaya và Jinalaya) là: vajradhatu, padmadhatu và sakradhatu. Các giới Phật trên lại được đồng nhất với không (Sunya): Vajaradhatu – không (sunya), padmadhatu – không lớn (mahasunya) và sakradhatu – không siêu việt (sunyatita). Để đưa chúng sinh đau khổ vào các giới Phật có ba vị Bồ Tát: Vajradhara, Avalokitesvara và Vajrasattva”.
Những nội dung ghi trên văn bia Đồng Dương. Vua Indravarman II đã tự đặt cho mình những tên gọi mà chỉ có ở Phật giáo Đại thừa và đồng nhất mình với đức Phật dưới dạng Bồ Tát Lôkesvara.
Tư tưởng Mật giáo trong các văn bia Đồng Dương và An Thái chỉ rõ: cư dân Chămpa đã từng sử dụng kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) và Luật tạng (Vinaya Pitaka) để làm tôn chỉ riêng hành động cho mình. Hai bộ kinh này được xem là hệ thống lí thuyết của Mật giáo chính tông hay Chân Ngôn tông (Mantrayana) – Mật giáo hữu đạo. Về sau, từ hai bộ kinh này, các đệ tử của nhà Phật đã sáng lập ra bộ kinh Kim Cương thừa (Vajrayana), nhằm hướng mở con đường tu hành cho chúng sinh.
Trong đời sống tín ngưỡng tâm linh, người Đồng Dương đã tôn thờ hệ thống rất nhiều vị thánh danh (mà theo Phật gọi là các vị Phật và Bồ Tát). Điều này, trái hẳn với Phật giáo nguyên thủy – Phật giáo Tiểu thừa – là chỉ tôn thờ Phật Thích Ca mâu ni và một số vị Phật khác (nhưng số lượng rất hạn chế).
4. Có phải Đồng Dương – vương triều hưng thịnh nhất của vương quốc Chăm Pa?
Lịch sử Chămpa trong giai đoạn vương triều Phật giáo Đồng Dương – Indrapura là thời kì phát triển rực rỡ nhất, đỉnh cao nhất và đồng thời cũng được xem là thời kì “hoàng kim” nhất của Phật giáo Đại thừa tại vương quốc này. Giai đoạn này ứng với thời kỳ mà vương quốc Chămpa bước vào thời kỳ hưng thịnh…
Vương quốc Chăm Pa ra đời từ khi nào?
Năm 111 trước Công nguyên, Nhà Hán lên nắm chính quyền ở Trung Quốc và tiến hành xâm lược các quốc gia lân cận, trong đó có Âu Lạc. Sau khi thôn tính được Âu Lạc, Nhà Hán đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình xuống phía nam, cụ thể là áp đặt sự ảnh hưởng của mình đối với các bộ tộc ở phương Nam, trong đó có bộ (thị) tộc Dừa (cây Dừa) thuộc dòng biển và bộ (thị) tộc Cau (Cây Cau) thuộc dòng núi (là chủ nhân của vương quốc Chămpa sau này). Nhà Hán chia Âu Lạc ra làm hai quận (Giao Chỉ và Cửu Chân) và đồng thời lập thêm quận Nhật Nam của bộ tộc Dừa ở phương Nam với năm huyện (Tây Quyển, Chu Ngô, Tuỷ Cảnh hay Tỷ Ảnh, Lô Dung và Tượng Lâm). Trong đó, Tượng Lâm (nay là đất thuộc ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) là địa bàn cư trú của hai thị tộc Cau và Dừa và huyện xa nhất về phương Nam trong các vùng đất chiếm đóng của người Hán.
Dưới ách đô hộ hà khắc của Nhà Hán, nhân dân ba quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ đã cùng kề vai sát cánh trong việc chống lại kẻ thù chung. Nhiều cuộc đấy tranh đã nổi dậy ở rộng khắp Chămpa, đặc biệt là vào thế kỷ II, đỉnh cao là vào các năm: 100, 136, 144, 157 và 192.
Vào cuối thế kỷ II, đời Sơ Bình (khoảng từ năm 190 đến năm 193), lợi dụng tình hình Trung Quốc bất ổn cộng với sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng của nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, Khu Liên đã lãnh đạo nhân dân Tượng Lâm đứng dậy chống Nhà Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Khu Liên lên làm vua, mở đầu vương triều Gangaraja (cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ III). Theo nội dung ghi trên một văn bia tìm thấy thì vị vua đầu tiên đó có tên là Cri Mara (mà sau này nhiều nhà KCH nhận định vị vua đầu tiên của vương quốc cổ nền có tên hiệu là Cri Mara chính là Khu Liên – người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại nhà Hán). Khu Liên đặt tên nước là Lâm Ấp, mở đầu cho thời kì độc lập, tự chủ và thống nhất cho nhân dân Chămpa.
Đến giữa thế kỷ IV, hai tiểu vương quốc Panduranga (thuộc bộ tộc Cau phía Nam) và Lâm Ấp (thuộc bộ tộc Dừa phía Bắc) đã hợp nhất thành một vương quốc chung, lấy tên là vương quốc Chămpa và chọn Trà Kiệu làm kinh đô.
Giai đoạn ra đời và định hình chủ quyền quốc gia, dân tộc gắn liền với sự manh nha của nhà nước của người Chăm – nhà nước Lâm Ấp, kéo dài khoảng 5 thế kỷ (từ cuối thế kỷ II đến nửa thế kỷ IX) và trải qua 14 đời vua trị vì. Trong lịch sử gọi giai đoạn này là Sinhapura (từ đầu đến khoảng năm 750) gắn liền với kinh thành sư tử – kinh đô Trà Kiệu và Virapura – Rajapura hay thời kì Hoàn Vương (khoảng năm 750 – 850).
Giai đoạn hưng thịnh và phát triển của vương quốc Chămpa kéo dài gần 5 thế kỷ (từ năm 850 – 1353). Thời kì đầu cũng là thời kỳ vàng son của kinh đô Phật giáo Đồng Dương – Indrapura (khoảng năm 850 – 982) với 12 triều vua. Tiếp đến là thời kì Vijaya (thế kỷ X – XV) thống nhất và phát triển thịnh đạt của Chămpa với 16 triều vua. Giai đoạn khủng hoảng và suy vong của vương quốc Chămpa, kéo dài gần ¾ thế kỷ (từ 1353 – 1471).
Vương triều Phật giáo hưng thịnh
Vào cuối thế kỷ IX, một vương triều mới xuất hiện ở miền bắc Chămpa. Vị vua Indravarman II đã cho dời đô từ miền Panduranga trở về miền Amaravati, và đặt tên cho kinh đô của mình tại vùng đất Quảng Nam là Indrapura và cho xây dựng tại Đồng Dương một Phật viện lớn lấy tên là Laksmindra – Lokesvara. Đây là một học viện Phật giáo đầu tiên được hình thành tại Chămpa cũng như ở khu vực Đông Nam Á.
Trong bia kí Đồng Dương có đoạn chép về sự kiện vua Indravarman II, có tên thật là Laksmindra – Gramasvami, tự nhận là dòng dõi vua của ông tổ huyền thoại Uroja trong thần thoại Ấn Độ.
Sau khi xây dựng kinh đô Đồng Dương, các vị vua này đã lấy Phật giáo (cùng với Hindu giáo cổ truyền) làm thước đo để quản lí xã hội, tôn thờ thần chủ Sambhubhadresvara. Kể từ khi Phật giáo được thịnh hành tại Indrapura, nó đã nhanh chóng trở thành một công cụ để các vương triều trị vì đất nước. Chính có lẽ vì thế mà giai đoạn này, Indrapura được ngợi ca như là một tu viện, một trung tâm Phật giáo của khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 972, khu vực Amaravati xuất hiện một vị vua mới của triều đình Indravarman mà sử Trung Quốc và Việt Nam gọi là Ba Mỹ Thuế hay Phê Mi Thuế. Vị vua này một mặt thì duy trì quan hệ tốt đẹp với triều đình nhà Tống (Trung Quốc), mặt khác thì luôn có ý đồ gây chiến với Đại Cồ Việt.
Năm 979, Vua Chămpa đã giúp phò mã Ngô Nhật Khánh (Ngô Nhật Khánh vốn gốc là người Việt) đem hơn 1000 quân ra đánh vào kinh đô Hoa Lư, có ý đồ chiếm Đại Cồ Việt. Tiếp đó, năm 982, vua Lê Đại Hành đã cử Tư Mục và Ngô Tử Cảnh đi sang sứ Chămpa, nhưng vua Chămpa là Para vecvarman đã bắt giữ sứ giả Việt. Hành động của Chămpa là muốn “thoát khỏi ảnh hưởng của nước ta” và muốn thân hữu với nhà Tống (Trung Quốc). Vô cùng bất bình trước hành động bạo ngược của Chămpa, năm 982, vua Lê Hoàn đã làm tướng thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Vua cho quân đánh thẳng vào kinh đô Indrapudra, chém vua Paravecvarman tại trận bắt được nhiều tù binh và san phẳng thành trì Indrapudra. Kết quả là cả tòa thành Indrapura bị phá tan và vương triều Indrapura đã bị sụp đổ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: “Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được. … chém được Phê Mị Thuế tại trận; Chiêm Thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một người thầy tăng người Thiên Trúc; lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tôn miếu”; “Với cuộc viễn chinh của Lê Hoàn năm 982, không chỉ tòa thành Indrapura mà cả vương triều Phật giáo được các nhà khoa học gọi là vương triều Indrapura cũng chấm dứt sự tồn tại của mình.”
5. Đồng Dương có phải là đỉnh cao của nghệ thuật Đông Nam Á?
Kinh đô Đồng Dương thì không kì vĩ như kinh đô Ăngkor (Camphuchia), không quy mô như trung tâm Phật giáo Borrobudur (Inđônêsia) nhưng lại được đánh giá cao bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Sự hé lộ tượng Phật đồng Laksmindra Lokesvara là một trong số những giá trị nghệ thuật điêu khắc tuyệt mĩ, không chỉ la đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa mà là niềm kiêu hãnh của khu vực Đông Nam Á.
Tượng Phật đồng Bồ Tát Ta Ra
Tượng đồng Bồ Tát Ta Ra (Tượng Laksmindra Lôkesvara) được nhân dân địa phương trong quá trình lao động và sản xuất đã tình cờ đào thấy ở khu vực Đồng Dương năm 1978 có chiều cao 1,14 mét. Mà về sau theo nhận định đó chính là pho tượng bằng đồng lớn nhất và đẹp nhất của nghệ thuật Chăm. Quan sát có thể thấy, Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm đài sen, bên trong có gương sen.
Tượng Phật thể hiện tư thế đứng; toàn bộ phần cơ thể phía trên của bức tượng để trần, phần thân dưới mang một kiểu y phục (gọi là sarong) gồm hai lớp: tấm váy dài gần tới mắt cá ở trong, và tấm vải choàng vắt ngược hai đầu lên trước bụng ở ngoài; hơn nữa, tính mềm mại của tấm vải choàng còn được tô điểm qua những đường cong nổi mềm mại, song song; tư thế đứng thẳng với hai tay đưa cân xứng ra phía trước, kỹ thuật thể hiện nép vải nổi, nhưng thực ra thì pho tượng Bồ Tát này là truyền thống và phong cách của tượng Phật Đồng Dương; khuôn mặt đầy mang phong thái con người Chămpa, phần đầu của bức tượng hơi to so với thân, khuôn mặt vuông, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày… lại đẩy hình tượng Bồ Tát về phong cách nghệ thuật Đồng Dương; tóc của pho tượng được búi cao…
Trước đó, năm 1901, L. Finot đã công bố những kết quả khai quật tại Đồng Dương. Ông thống kê ở Đồng Dương có khoảng 229 hiện vật, trong đó có hai pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, được đánh giá là một trong những pho tượng Phật cổ nhất và đẹp nhất ở Đông Nam Á.
Hai bức tượng Phật này có những điểm nổi bật là: đức Phật đứng với hai tay hướng cân xứng và đưa ra phía trước với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đang nhìn vào cõi xa xăm như muốn giải thoát con người khỏi dục vọng trần thế, với một tay tư thế chuyển pháp luân trong dáng điệu bàn tay phải bắt ấn, ngón trỏ cong tròn lại và ngón cái tựa nhẹ lên đầu ngón trỏ, các ngón khác cong lại làm cho toàn bàn tay phải nom tựa hình hoa sen; đức Phật khoác một chiếc áo cà sa để hở vai phải, ở ngoài khoác thêm tấm sarong, tay trái cầm một phần vải kéo ra trước, các ngón tay chụm lại như đang nắm ngọn lá trên tay; tai phải có kéo dài hơn tai trái; tóc dạng hình xoắn ốc; trán cao…; tượng Phật … . Cả hai tượng đều mô phỏng tư thế Phật Thích Ca đi thuyết pháp.
Tại đài thờ ở khu vực trung tâm Phật viện (thánh đường chính) là bệ thờ tượng Phật Bồ Tát Quán Thế Âm thì tiêu điểm của khu giảng đường là bệ và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là hai trong số những nét chấm phá của hai đài thờ linh thiêng tại Phật viện Đồng Dương, góp phần tạo nên dấu ấn đặc thù cho hai đài thờ uy nghi và tôn nghiêm này.
Bậc thầy nghệ thuật Đông Nam Á
Phật giáo được xem là quốc giáo tại vương triều Đồng Dương – Indrapura. Những phát hiện ở trung tâm Phật giáo Đồng Dương nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán và tượng Thiên Thần Hộ Pháp đã thể hiện được đỉnh cao nền nghệ thuật Đông Nam Á.
Minh chứng qua hàng loạt các tác phẩm bằng đá và một số ít bằng kim loại, như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, các tấm phù được chạm nổi thể hiện thế giới nhà Phật. Sự thực, phong cách Đồng Dương đã tạo nên một dấu ấn không thể lu mờ trong lịch sử nghệ thuật Chăm. Đó chính là lối tư duy đột phá, gạt bỏ dần yếu tố ngoại lai, tìm về với giá trị đích thực trong bản sắc dân tộc, tạo nên cho nền nghệ thuật một sức sống mạnh mẽ nhưng thanh thoát của nền văn hóa Chămpa.
Hơn trăm năm qua, kể từ khi khu di tích này được phát lộ (1901), số lượng hiện vật được tìm thấy tại Đồng Dương cũng tăng lên đáng kể theo thời gian. Có thể điểm qua tượng Bồ Tát Tara, tượng Bồ Tát Văn Thù, các tượng Hộ Pháp, tượng La Hán, nhưng đáng kể nhất là pho tượng Bồ Tát Tara phát hiện năm 1978 mà theo Ngô Văn Doanh cho rằng đây chính là pho tượng Laksmindra – Lokesvara: “Tượng Phật Đồng Dương cũng như các tượng Phật cùng kiểu khác được tìm thấy ở ĐNA như tượng Phật ở Kò Rạt (Thái Lan), tượng Phật Sikendung (ở Salebes – Inđônêsia), tượng Phật Jember (Giava – Inđônêsia), tượng Phật Angkor Borei (Campuchia) đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. Thế nhưng, tượng Phật Đồng Dương lại quá giống các tượng Phật của Amaravati và của Amaradhapura (Srilanka), vì thế, có NNC ngỡ rằng tượng của Champa là tác phẩm có niên đại khoảng thế kỷ 3 – 4 và được tiếp nhập trực tiếp từ Ấn Độ”.
Cùng với đó, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp J.Boisslier, nhận đánh giá: “tượng này chắc chắn nếu không là tác phẩm nhập, thì cũng là tác phẩm có quan hệ sâu sắc với truyền thống Ấn Độ đến nỗi không thể nào phát hiện ra vết tích của một truyền thống bản địa”.
Còn theo Bá Trung Phụ (Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP. HCM) nhận định: “Tượng phật Đồng Dương rất có giá trị về phong cách. Nó thuộc loại hình nghệ thuật vị nghệ thuật vị nhân sinh chứ không phải nghệ thuật tôn giáo. Sự cân đối về hình thể đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của cổ vật này”.
Bàn về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa, ngay từ thế kỷ V – VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận rằng, Chămpa là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Do đó, trải qua hơn 300 năm, nghệ thuật bậc thầy ấy có cơ hội được phát huy và tỏa sáng ở trung tâm thiền viện Phật giáo Đồng Dương. Đó chính là “một minh chứng cho vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa và tôn giáo có lâu đời từ thế kỷ X được gìn giữ”.
6. Vương triều Đồng Dương lấy hệ tư tưởng nào để quản lý xã hội?
Người Chăm ở Đồng Dương đã từng xem Phật giáo cùng với những quy tắc xử sự (giáo luật) của Phật giáo là lăng kính soi rọi cho mình. Họ tôn sùng Phật giáo với một đức niềm tin son sắc. Sức mạnh và uy quyền của Phật giáo đã chi phối hầu như toàn bộ nếp sống, nếp nghĩ của người dân, tư tưởng trị vì của đất nước qua các vị vua.
Vương triều sùng đạo
Dương như trải qua nhiều đời vua, tư tưởng Phật giáo như là một hình thái ý thức xã hội phát triển cao, có tác động tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội vật chất và tinh thần (kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, đạo đức, lối sống, tư tưởng tình cảm) của cộng đồng quốc gia dân tộc. Từ khi hiện hữu, Phật giáo đã dần nhập thế và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội và nhanh chóng trở thành một ý thức hệ tư tưởng chính trị của cộng đồng quốc gia dân tộc đó. Giai đoạn từ khoảng nửa cuối thế kỷ thứ IX đến cuối thế kỷ X với sự bừng sáng của vương triều Phật giáo Đồng Dương – Quảng Nam.
Theo một mô hình thể chế chính quyền thì đứng đầu nhà nước lúc bấy giờ là vua. Đối với vương triều Đồng Dương thì vua vừa là người thủ lĩnh tối cao của nhà nước, vừa lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước và cũng đồng thời vừa là người chủ tế trong các nghi lễ tôn giáo quan trọng của đất nước. Dưới vương triều này thì các ông vua đều rất mực tôn sùng đạo Phật và tự nhận mình là hóa thân của Phật dưới dạng Bồ Tát Laksmindra Lôkesvara Svabhayada.
Bi ký Đồng Dương đã xác nhận, đó là Indravarman II đã cho xây một tu viện Phật giáo và đền thờ một vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada. Theo nội dung bia kí: vào năm 875, “Do lòng tin vào Phật, vua đã cho dựng lên một tu viện Phật giáo (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lôkesvaha Svabhayada”; và cho xây dựng một “thiên đường” (Svargapura) hay “đô thị giải phóng” và “dâng cúng ruộng đất, nô lệ, bạc, vàng và nhiều thứ khác cho Lôkesa”; lòng tin của nhà vua “thành kính dâng lên cho đấng vinh quang Damaras”. Vì thế, khi mất, vua có tên mới: Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin. Từ đó ta thấy vua đã được đồng nhất với danh hiệu BồTát Lokesvara. Đó là những minh chứng rõ cho sự sùng đạo Phật của vua Indravarman II. Khi sống, vị vua này luôn đồng nhất mình với đức Phật, và khi chết thì trở về với cõi Phật. Như vậy, bản thân Đồng Dương – Indrapura, nơi vừa là hoàng cung, vừa là đền miếu thờ thần Phật” và hơn nữa được xem như là “Chùa Đồng Dương (thế kỷ VIII, X) là một trung tâm Phật giáo.
Tư tưởng Phật giáo làm thước đo
Về sau, Phật giáo mạnh mẽ nhất ở vương quốc này là vào thời kỳ Indrapura (875-982). Các vị vua thời kỳ này đã dựa vào sức mạnh của mình để cho xây dựng kinh đô ở Indrapura (Đồng Dương, thuộc Quảng Nam ngày nay) theo mô hình một tu viện và chùa của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo theo sự ngưỡng mộ Bồ-Tát Quan Thế Âm của hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Kiến trúc của tu viện được chia làm 3 khu vực chính gồm: khu vực trung tâm là nơi hành lễ các nghi thức tôn giáo chính yếu, đặt ở vị trí trung tâm, còn gọi là khu chánh điện; khu vực thứ hai là khu giảng đường để làm công tác giáo dục, đào tạo tu sĩ, có chức năng và kiến trúc như trường học hiện nay; khu tịnh xá nơi để các vị chân tu, khách bộ hành, tu sĩ nghỉ dưỡng; dĩ nhiên, sẽ có một khu dành riêng cho vua và hoàng tộc nhà vua, gọi là thánh thất nhà vua. Một đặc biệt và ưu đãi hơn cả là mọi sinh hoạt đời sống của các tu sĩ sống trong tu viện này, từ ăn mặc, chỗ ở cho đến học hành, đều do triều đình tài trợ và chính tu viện này cũng góp phần tạo nên sức mạnh của vương triều Indrapura.
Nhà nước lấy giáo lý của Phật giáo làm chuẩn mực, quy tắc xử sự trong hành xử và giao tiếp, xem giáo lý của Phật giáo như là luật pháp để quản lý đất nước. Nhà vua thành kính và tôn sùng các vị Phật, đặc biệt là Bồ Tát, như là đức niềm tin cao quý. Đó chính là tinh thần nhân ái, khoan dung hay “từ bi, hỷ xả” và tự nguyện trong luật pháp. Đó là tư tưởng “thương dân như con”, chăm lo mọi mặt cho đời sống thiết yếu của thần dân. Đó là lối sống theo phương hướng đạo, giáo dục thần dân mình đi theo con đường chánh đạo để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” muôn đời. Tư tưởng “yêu dân như con” trong đạo trị nước của vương triều Đồng Dương không phải là sự giả dối của giai cấp cầm quyền mà là “phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên”. Đây là một trong những chính sách của nhà nước tập quyền Phật giáo điển hình, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, trên hết là của giai cấp thống trị nhằm củng cổ địa vị thống trị của họ trong xã hội.
Như vậy, đạo Phật từ khi khai sinh không nhằm phục vụ mục đích chính trị hay một ý đồ, động cơ không trong sáng nào, nhằm cốt yếu đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình cho con người, nhưng khi nằm trong tầm tay của người làm chính trị thì đạo Phật dần trở thành một công cụ quản lý xã hội đắc lực và hiệu quả. Vương triều Phật giáo Chămpa đã biết phát huy yếu tố tích cực, tiến bộ của đạo Phật để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, chăm lo tới cuộc sống của nhân dân.
Cùng với đó, vương triều Indrapura của xứ Amaravati cũng đã lấy Phật giáo để thống lĩnh xã hội.Tư tưởng từ bi, hỷ xả luôn được vương triều áp dụng rộng rãi, có những lúc, chính tư tưởng này đã đem lại sự cường thịnh và hòa bình của quốc gia Chămpa đương thời. Phật giáo như là thần quyền để thực hiện mọi nghi thức trong quan hệ bang giao. Nhiều sứ thần các nước đến Đồng Dương phải công nhận rằng, dân ở đây rất sùng Phật với một niềm tin tối cao. Và cũng bởi vì thế mà về sau những ngôi chùa Đồng Dương này trở thành trung tâm Phật giáo của Đông Nam Á.
7. Vì sao Đông Dương trở thành Trung tâm Phật giáo Đông Nam Á?
Suốt gần 5 thế kỷ, Phật viện Đồng Dương trở thành một tu viện đào tạo tu sĩ duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Trong đó có nhiều tu sĩ là những nhà tu hành nổi danh của Trung Quốc và các nước lân cận đến nơi đây tu học, chiêm bái phật pháp.
Một tu viện Phật giáo
Đất nước Chămpa vốn từ trong cội nguồn lịch sử đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hoá Ấn Độ nên ngoài tiếng nói bản địa, người Chămpa còn sử dụng thêm tiếng Phạn – Sanskrit dùng làm ngôn ngữ chính. Và, học viện Phật giáo Đồng Dương ra đời đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Chămpa. Để rồi, kể từ khi ra đời, nơi đây không những trở thành địa điểm quan trọng của các nhà sư trong việc nghiên cứu, phiên dịch kinh điển, truyền bá chánh pháp, mà còn là nơi tu hành đắc đạo hiệu quả. Học viện có không gian rộng lớn, đẹp và mang tầm cỡ quốc tế. Theo các nhà khảo cổ học thì Trung tâm học viện này được chia làm ba khu, mà khu thứ ba chính là giảng đường của Phật viện.
Có thể hiểu rõ vai trò của nền giáo dục nơi đây thông qua nội dung văn bia tại Đồng Dương. Văn bia ghi rõ, nhà vua lập tu viện này “để tôn vinh Đạo Pháp, không phải vì lợi ích của đức vua, không phải nhằm tăng diện thuế mà chính là vì lợi ích công xã Tăng nhân mà tu viện này được lập ra vĩnh cữu”.
Rõ ràng, sự ra đời, tồn tại và hưng đạt của trung tâm Phật giáo Đồng Dương đã đưa Phật giáo Chămpa vươn ra bên ngoài, không còn đóng khung trong lãnh thổ của một quốc gia như Chămpa. Các sử liệu Trung Quốc, Chămpa và Việt Nam tuy không nhắc nhiều về đời sống và sinh hoạt của các tăng sĩ tại trung tâm Đồng Dương, nhưng thông qua những giá trị vật chất hữu hình (văn bia, thành quách) cũng đủ nói lên tầm vóc của khu Phật viện có một không hai này.
Nền giáo dục của Phật giáo Chămpa đã từng tỏa sáng tại khu đền tháp Đồng Dương. Và, có thể coi, thời kì Phật giáo Đồng Dương là thời kì hưng thịnh nhất của các thời kì tôn giáo ở Chămpa, khi mà hầu hết các vị vua của vương triều Đồng Dương đều là Phật tử nhiệt thành ủng hộ Phật giáo, lấy tư tưởng “từ bi, hỷ xả” để trị nước an dân, xem mình là đấng hóa thân của Phật. Tiếng tăm của nền giáo dục Đồng Dương không những tạo nên một tiếng vang trong lòng nhân dân Chămpa mà cả những nước lân cận, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Tu viện Phật giáo Đông Nam Á
Tên gọi Phật viện hay tu viện cũng đủ để nói lên vai trò của nơi đây trong việc đào tạo tăng sĩ, tu sĩ cho nền Phật giáo Chămpa. Như vậy, có thể khẳng khái khẳng định rằng, nền giáo dục của Phật giáo Chămpa xuất hiện rất sớm. Tại đây, biết bao giới tăng ni, Phật tử đã trở thành những nhà sư nổi danh. Giáo lý đạo Phật được những nhà sư Ấn Độ truyền bá đến Chămpa và được dịch sang tiếng Chămpa để thuận tiện hơn trong quá trình truyền giáo.Sự kiện, năm 605, tướng Lưu Phương (Trung Quốc) sau khi đánh Chămpa xong đã lấy đi 1350 bộ kinh nhà Phật của Chămpa (các bộ kinh này đã được dịch sang tiếng Chămpa). Đến thế kỷ VII, Ngài Nghĩa Tịnh và ngài Đường Huyền Trang bên nhà Đường (Trung Quốc) trước khi sang Ấn Độ chiêm bái Phật Pháp đã có thời gian lưu lại Chămpa để nghiên cứu, học hỏi kinh điển với các vị sư Chămpa. Chính các vị sư này, khi đến Ấn Độ, cũng nhắc đến Phật giáo Chămpa với một tên đầy kính trọng “Maha – campa”.
Tài liệu cổ sử Trung Quốc cũng ghi nhận, năm 671, thiền sư Y Doãn (Trung Quốc) trong chuyến hành hương sang Ấn Độ đã đến vương quốc Chămpa. Trong thời gian ở đây, ông được biết Chămpa rất sùng Phật, số lượng người theo Phật rất nhiều, mặt khác, ông còn thấy dấu ấn Phật giáo Trung Quốc tại Chămpa.
Trong nước, năm 982 vua Lê Đại Hành đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc – người Ấn Độ – đang hành đạo thuyết giảng tại Phật viện này; năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi Chămpa đã đem về một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường vốn người Trung Hoa, thuộc tông truyền thừa qua 6 thế hệ với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc, như Lý Thánh Tông ở thế hệ 2, Không Lộ ở thế hệ 3, Lý Anh Tông thế hệ 4, Lý Cao Tông thế hệ 6… Thiền phái Thảo Đường là dòng Thiền lớn bắt đầu truyền Pháp ở nước ta thế kỷ XI.
Trong lịch sử Việt Nam, các vị vua triều Lý – Trần là những người sùng Phật. Sự kiện nổi bật hơn cả là năm 1301, vua Trần Nhân Tông cùng với rất nhiều tùy tùng (cũng có thể có nhiều nhà sư và tăng lữ) Đại Việt đã sang thăm trung tâm Phật viện Đồng Dương và thắng cảnh của vương quốc Chămpa. Theo tài liệu nhà Phật Việt Nam cho biết: vua Trần Nhân Tông đã ở lại tại Trung tâm Phật viện Đồng Dương trong thời gian khá dài (09 tháng) để chiêm bái Phật pháp.
Trung tâm Phật giáo Đồng Dương mang tầm vóc khu vực cũng bởi lẽ: Ở Đồng Dương, một nền văn hóa Chăm mang “Tư duy triết học tâm linh; đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo; tình thương của Visnu giáo; và cả tính hung bạo quyền lực của Shiva giáo”. Chính những tư tưởng ấy đã có một tác động sâu sắc đến việc tạo nên một bản sắc văn hóa Phật giáo tại khu thiền viện Đồng Dương vừa mang tính Bàlamôn Ấn Độ vừa mang dáng dấp Phật giáo Trung Hoa lại vừa mang màu sắc văn hóa Đông Nam Á, góp phần tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của Phật viện Đồng Dương.
Tuy các tháp Chăm tại Đồng Dương, xét về mặt nội dung – tư tưởng thì đều xoay quanh tính thần thoại và huyền bí của nền văn hóa Ấn Độ, nhất là Phật giáo, nhưng xét về mặt kiến tạo và tư duy thì người Chăm đã rất linh hoạt và khôn khéo khi hướng đến sự hành tráng, trang nghiêm và thần bí của các ngôi tháp theo mục đích sử dụng. Tất cả như “lột tả thần thái của hình tượng và chủ đề”, tạo nên một nét riêng, trở thành “một trong những nền điêu khắc cổ lớn nhất và đẹp nhất trong khu vực Đông Nam Á”.
8. Chủ nhân vùng đất Thánh đô trước nguy cơ “xóa sổ”?
Đồng Dương xưa vốn là kinh đô cổ, là “trái tim” của vương quốc Chămpa với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Nơi đây, ngàn năm trước từng là vùng đất sinh tụ của hàng ngàn người Chăm tộc Trà nhưng nay có nguy cơ bị mai một.
Chủ nhân vùng đất Thánh đô
Ung, Ma, Trà, Chế là 4 trong số những tộc họ người Chăm sống phân bố phkhắp đồng bằng duyên hải miền Trung đến tận cùng đất Nam bộ ngày nay.
Tại vùng đất Đồng Dương, xứ Aravati (Quảng Nam), người Chăm mang họ Trà là chủ yếu. Tộc Trà còn ở lại Đồng Dương có lẽ để bảo vệ các công trình điêu khắc kiến trúc còn lại của tổ tiên như Tháp Sáng, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp, tượng thần Siva, tượng Phật Thích Ca, trong đó Tượng Bồ Tát Ta Ra được khai quật năm 1978 là bức tượng đẹp nhất, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á…
Ngày nay, con cháu tộc Trà với những tập tục đời sống đặc trưng là dấu ấn văn hóa sống động sót lại của người Chăm từng kiến tạo trên mảnh đất Quảng Nam.
Theo gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ vua Chế Mân, con rể vua Chế A Nan), đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định), được xem là vị tiền hiền đã khai sáng ra tộc Trà.
Tộc Trà là cư dân gốc Chiêm Thành (người Quảng quen gọi là người Hời). Qua thời gian, do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch hoạn, không gian địa lý và hoàn cảnh lịch sử nên các thành viên trong dòng tộc Trà ngày càng sống xa nhau, không có điều kiện, cơ hội tìm về với cội nguồn. Nhiều phái, chi, nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của Tổ quốc, và vươn xa ra ngoài biên giới, trong đó còn duy nhất 1 nhánh tộc Trà ở lại làng Đồng Dương – vùng đất gốc của dòng tộc.
Theo lời kể của các cụ thâm niên trong làng, tộc Trà Đồng Dương được hình thành cùng với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (thế kỷ IX – XV).
Tộc Trà ngày càng mai một
Kể từ sự kiện vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc bình Chiêm thắng lợi (năm 1470) trở về sau, số lượng tộc Trà có phần tụt giảm, phần thì chạy trốn, phần thì “tha phương cầu thực”. Hiện nay, tại làng Đồng Dương, số lượng người dân mang họ Trà rất khiêm tốn. Khoảng chưa đến 300 người so với hàng ngàn người đầu thế kỷ XX.
Ông Trà Tấn Tôn cho biết, theo những ghi chép trong gia phả tộc Trà lưu lại: “Thời trước, không chỉ riêng làng Đồng Dương mà còn cả vùng lân cận đều mang họ Trà. Số lượng rất đông, không đếm hết.
Khi ấy, con cháu họ Trà còn lưu giữ được những phong tục tập quán của người Chăm như múa apsara, thờ Phật, thờ thần thánh, cúng bái nơi tháp Thiêng (Phật viện), làm lúa khô, viết chữ Phạn, nói tiếng Chăm,… Truyền thống ấy đến đầu thế kỷ XX vẫn còn bảo lưu”.
Được biết, tộc Trà Đồng Dương hiện có khoảng 110 hộ (so với cả làng là 200 hộ). Trước đây, tộc có 4 nhánh, nay chỉ còn 3 (vì nhánh I không có người nối dõi nên đã nhập vào nhánh II). Nhánh I có 3 hộ do ông Trà Cung làm trưởng tộc (đã mất). Nhánh II có 45 hộ do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng tộc. Nhánh III có 50 hộ do ông Trà Tấn Sắn (51 tuổi) làm trưởng tộc. Nhánh IV có 10 hộ do ông Trà Tấn Tư (61 tuổi) làm trưởng tộc. Và số còn lại sống rải rác các xã trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh chưa thống kê đầy đủ.
“Vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, con cháu tộc Trà rất đông, chiếm số lượng nhiều nhất nước. Tộc có nhà thờ tộc, có phả hệ, có nhiều sắc phong, nhiều hiện vật Chăm cổ, nhưng không hiểu lý do gì lại bị thiêu huỷ sau một đêm. Từ đó đến nay, các vị cao niên trong làng đã qua đời, nhiều người không hiểu về gia tộc Trà để sưu tầm, nghiên cứu nên có sự nhận thức mơ hồ về dòng máu mà mình đang mang trong người.
Và cũng từ khi dòng di cư từ phương bắc vào, những người tộc Trà đã sống hoà huyết cùng với người Việt, những phong tục, tập quán dần dần bị mai một theo thời gian, ngay cả trong thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) vẫn thừa nhận là người Việt (Kinh).
Đến nay, vốn quý nhất mà cư dân nơi đây còn giữ được là ý thức tự giác tộc người, là dòng máu tộc Trà cùng với những bức tượng Chăm kiêu sa và tháp Sáng tráng lệ một thuở huy hoàng” – ông Trà Tấn Huệ (84 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương) bộc bạch.
Cũng theo ông Trà Tấn Tôn cho biết, nhà thờ Tiền hiền tộc Trà đã trải qua nhiều lần tu sửa, thay đổi vị trí nên mất tính đất địa linh thiêng… May nhờ tộc Trà vẫn còn tổ tiên, Tháp Sáng, nhà thờ Tộc nên hằng năm, con cháu ở khắp mọi miền của Tổ quốc còn hướng về cội nguồn thông qua các cuộc hành hương về thăm tháp Sáng và nhà thờ Tiền hiền tộc Trà.
10 năm trở lại đây, dưới sự trợ giúp của tộc Trà Việt Nam, ông Trà Tấn Lợi (77 tuổi) và ông Trà Quang Thảng (76 tuổi) cùng trú ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, đã bỏ nhiều công sưu tầm, nghiên cứu về tộc Trà để cho xây dựng một nhà thờ tộc Trà ở Việt Nam, đặt ở địa phương. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 23/03 (âm lịch), ngày giỗ tổ tộc Trà Việt Nam lại được cử hành long trọng tại nhà thờ tộc Trà ở Điện Thọ.
Chia tay với bà con tộc Trà làng Đồng Dương, chúng tôi mãi ám ảnh bởi câu nói của vị trưởng tộc Trà: “Còn Tháp còn người Trà, mất Tháp là mất tất cả…” mà xót xa cho truyền thống một dòng tộc ngàn năm trên đất Chăm. Rồi đây những giá trị văn hoá, từ hữu hình đến vô hình sẽ dần bị thời gian và con người can thiệp. Hậu duệ của người Chăm cảm thấy nao lòng khi từng ngày tháp Sáng cố “ngoi mình” để “chống chọi” với “phong ba bão táp” cuộc đời, khu Phật viện Đồng Dương đi vào quên lãng, người Chăm họ Trà dần thưa thớt…
GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính khẳng định: “Đồng Dương trước tiên cần phải được nhìn nhận như là một di tích lịch sử, là chứng nhân lịch sử tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thế xác hóa và, bởi vậy, đích thực và hễ ta giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh trôi tuột vào dĩ vãng.”