Giáo Lý Duyên Khởi – sự thật của sanh tử luân hồi

Giáo Lý Duyên Khởi – sự thật của sanh tử luân hồi

12nhanduyen12Tại sao con người chúng ta phải bị sanh ra, rồi già chết và tái sanh trong ưu bi khổ não? Đức Phật đã dạy là do Duyên khởi và vẽ nên vòng lẩn quẩn đó bằng 12 mắt xích, được gọi là Duyên khởi 12 chi phần, hay các nhà dịch giả Trung Quốc dịch là Thập nhị nhân duyên. Căn cứ vào Kinh Đại Duyên ở Trường Bộ Kinh và các nhà luận sư Phật giáo, chúng ta tìm hiểu vấn đề đó.

I/ Định thức tổng quát của Duyên khởi

Tổng quát của duyên khởi theo định thức sau:

Do vì cái này có mặt mà cái kia có mặt

Do vì cái này sanh mà cái kia sanh

Do vì cái này không có mặt mà cái kia không có mặt

Do vì cái này diệt mà cái kia diệt

II/ Duyên khởi 12 chi

Theo định thức ấy, Đức Phật nói 12 chi phần Duyên khởi tức là 12 mắt xích của sanh tử đau khổ như sau:

Do vô minh có mà hành có, do hành có nên thức có, do thức có nên danh sắc có, do danh sắc có nên lục nhập có, do lục nhập có nên xúc có, do xúc có nên thọ có, do thọ có nên ái có, do ái có nên thủ có, do thủ có nên hữu có, do hữu có nên sanh có, do sanh có nên lão tử ưu bi khổ não có.

Do vô minh diệt nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên lão tử ưu bi khổ não diệt.

III/ Giải thích 12 chi

1/ Vô minh: Vô minh là không biết như thật khổ, không biết như thật nguyên nhân của khổ, không biết như thật Niết bàn và không biết như thật con đường đưa đến Niết bàn. Tóm lại không biết như thật Tứ thánh đế là vô minh.

2/ Hành: Hành nghĩa là tạo tác, có 3: thân hành, khẩu hành và ý hành.

3/ Thức: Thức ở đây là kiết sanh thức, thức đi tái sanh do nghiệp.

4/Danh sắc: Danh tức là thức đã vào thai, sắc là thân xác. Ở đây là chất tiết ra của cha mẹ khi giao hợp. Thức do nghiệp đi tái sanh, kiết sanh thức, khi đã vào thai thức đó kết hợp với chất tiết ra của cha mẹ khi giao hợp làm thân của mình.

5/ Lục Nhập: Theo nghiệp và theo thời gian, thai đầy đủ 6 căn; tai, mắt, mũi, lưỡi, thân ý.

6/ Xúc: Khi đủ ngày tháng thai được ra ngoài 6 căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với 6 trần: sắc thanh hương vị xúc pháp.

7/ Thọ: Thọ là cảm giác có được trong sự tiếp xúc. Có 3 thọ:

– Lạc thọ: Cảm giác vui sướng khi tiếp xúc với đối tượng ưa thích

– Khổ thọ: Cảm giác đau khổ khi tiếp xúc với đối tượng không ưa

– Xã thọ: Cảm giác dững dưng

8/ Ái: Ham thích. Có 3 ái:

– Dục ái: Ham thích ở cõi dục

– Sắc ái: Ham thích ở sắc giới

– Vô sắc ái: Ham thích ở cõi vô sắc

9/ Thủ: Chiếm lấy, ôm giữ

10/ Hữu: Tạo nghiệp

11/ Sanh: Bị tái sanh do nghiệp

12/ Lão tử ưu bi khổ não: Đã bị sanh ra rồi phải bị già chết lo buồn khổ não

III/ Vô minh là nguyên nhân của sanh tử đau khổ

Theo tiến trình 12 chi duyên khởi ấy thì Vô minh chính là nguyên nhân của sanh tử ưu bi khổ não. Có những người học Phật lầm lẫn rằng Vô minh là nguyên nhân đầu tiên của con người và vũ trụ. Trong duyên khởi 12 chi này chỉ nói Vô minh là nguyên nhân của sanh tử đau khổ thôi chứ không nói Vô minh là nguyên nhân đầu tiên của con người và vũ trụ. Mà vô minh là gì? Đó là không như thật biết Tứ thánh đế. Như vậy muốn hết Vô minh chấm dứt sanh tử ưu bi khổ não thì phải tu tập Tứ thánh đế.

IV/ Vô minh hết thì trí tuệ sinh, sanh tử ưu bi khổ não hết là Niết bàn chứ không phải đoạn diệt

Có nhiều người lầm lẫn rằng hết vô minh là chấm dứt tất cả. Hết vô minh thì thành trí tuệ, hết sanh tử ưu bi khổ não là Niết bàn an lạc giải thoát chứ không phải là chấm dứt tất cả không còn gì.

Trong nhiều lần khi nói về Duyên khởi 12 chi phần, Đức Phật nói rằng: “Ai không biết được duyên khởi 12 chi phần thì với người ấy giống như cuộn chỉ rối, dù muốn thoát ra thoát cũng không được. “Do đó, những hành giả muốn giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi lẩn quẩn nên như thật biết duyên khởi 12 chi phần và diệt trừ vô minh.

Hòa Thượng Thích Như Phẩm

admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *