...

    Giáo lý nghiệp giải phóng con người khỏi sợ hãi về thần linh

    Buddha Statue Sitting at Wat Phra KaeoSống trong đời con người thường gặp phải những tai ương bất hạnh. Từ sự tai ương bất hạnh đó con người thường sợ hãi và cúng bái tôn thờ những thần linh để cầu sự che chở và ban phước lành. Nhiều thần linh xuất hiện như Thần Mặt Trời, Thần Sông, Thần Núi, Thần Cây Đa, Thần Bình Vôi, Thần Ông Táo v.v.. Đó là tín ngưỡng đa thần giáo xuất hiện trong đời sống.

    Phật giáo giải thích những tai ương và hạnh phúc trong đời sống con người là do nghiệp chứ không phải do thần linh ban phước hay giáng họa. Vậy nghiệp là gì? Có bao nhiêu loại nghiệp? Nghiệp đóng vai trò như thế nào trong đời sống con người?

    I/ Định nghĩa nghiệp: Nghiệp là dịch ngữ của người Trung Quốc từ chữ Karma của tiếng Phạn, có nghĩa là tạo tác. Khi con người làm 1 việc gì với sự cố ý, tức là đã tạo ra 1 nghiệp và chính sự tạo tác cố ý đó dẫn đến kết quả là tai ương hay hạnh phúc chứ không phải do thần linh ban phước hay giáng họa. Đó là nét chính yếu của giáo lý về nghiệp.

    II/ Phân loại về nghiệp: Có rất nhiều cách phân loại về nghiệp và do đó có rất nhiều loại nghiệp, ở đây chỉ trình bày những loại thông thường được phổ biến.

    1/ Phân loại từ nơi phát xuất: Căn cứ từ nơi phát sinh ra nghiệp thì có 3 loại nghiệp:

    a/ Ý nghiệp: Những tư duy cố ý

    b/ Khẩu nghiệp: Những lời nói cố ý

    c/ Thân nghiệp: Những hoạt động cố ý của thân thể

    2/ Phân loại theo bản chất: Về bản chất thì có 3 loại nghiệp:

    a/ Ác nghiệp: Những tạo tác bào gồm cả tư duy lời nói hành động cố ý xấu gây hại cho bản thân mình và muôn loài chung quanh như sát sanh, trộm cướp, tà hạnh v.v…

    b/ Thiện nghiệp: Những tạo tác bao gồm cả ý nghĩ lời nói hành động cố ý tốt có lợi cho bản thân và muôn loài chung quanh như bố thí, trì giới, phóng sanh v.v..

    c/ Vô ký nghiệp: Những tạo tác bao gồm cả ý nghĩ, lời nói, hành động không có lợi cũng không có hại.

    III/ Nghiệp và kết quả của nghiệp: Như thế nghiệp tức là suy nghĩ, lời nói và hành động của con người và tùy theo bản chất của suy nghĩ lời nói hành động của con người là thiện hay ác mà có kết quả tai ương hay hạnh phúc, đó là Nhân quả. Khi tạo nghiệp tức là gieo nhân, khi chịu quả tức là gặt quả. Đây là nhân quả báo ứng. Khi chúng ta gieo một nghiệp nhân nào thì chúng ta gặt được kết quả của chính nghiệp nhân đó.

    IV/ Nghiệp giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi về thần linh và cũng đồng thời bắt con người phải lãnh lấy những gì mình đã tạo ra: Con người là chủ thể của nghiệp vì nghiệp do con người tạo ra và con người đồng thời cũng là kết quả của nghiệp, như thế giáo lý Nghiệp giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi về thần linh. Nói cách rõ ràng hơn: Tai ương hay hạnh phúc của con người là do chính con người tạo ra bằng nghiệp ác hay thiện chứ không phải thần linh thưởng phạt.

    V/ Nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người: Duyên khởi 12 chi giải thích rõ ràng nhân duyên sanh tử của con người. Trong 12 chi phần duyên khởi ấy thì nghiệp tức là HànhHữu. Hành là nghiệp của quá khứ, hữu là nghiệp của hiện tại. Do nghiệp của quá khứ mà có cuộc sống hiện tại và do nghiệp tạo ra trong hiện tại mà có cuộc sống ở vị lai. Như thế nghiệp rất quan trọng trong đời sống con người. Có thể nói do nghiệp mà có cuộc sống của con người. Đó là Nghiệp cảm Duyên khởi vậy.47834196

    VI/ Nghiệp vẫn tồn tại sau khi hữu tình chúng sanh mạng chung: Sau khi 1 hữu tình chúng sanh mạng chung nghiệp vẫn tồn tại và chính nghiệp dẫn dắt hữu tình chúng sanh tái sanh vào 1 trong 6 cõi luân hồi. Giáo lý Nam truyền cho biết rằng sau khi 1 hữu tình chúng sanh chết chỉ còn có Nghiệp mà thôi và chính nghiệp lực ấy dắt dẫn hữu tình chúng sanh tái sanh vào 1 trong 6 cỗi luân hồi tùy theo nghiệp ác hay thiện đã tạo. Đó là Kiết sanh thức, chi thứ 3 trong 12 chi duyên khởi.

    VII/ Tu tức là từ bỏ nghiệp ác và tạo nghiệp thiện: Sau khi biết được giáo lý về nghiệp như vậy, người có trí thì luôn luôn nỗ lực từ bỏ nghiệp ác và tạo nghiệp thiện để được an lạc hạnh phúc, đó là tu.

    Thế thì tai ương đau khổ hay hạnh phúc trong cuộc sống đều do chính chúng ta tạo nên chứ không phải do thần linh ban phước giáng họa. Giáo lý nghiệp giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi về thần linh. Chính đức Phật chỉ cho chúng ta thấy nghiệp ác, nghiệp thiện và khuyên chúng ta bỏ nghiệp ác, hành nghiêp thiện để được an lạc trong cuộc sống chứ đức Phật không ban cho chúng ta an lạc được. “Lại đây ta chỉ cho thấy chứ không phải lại đây ta ban cho”.

     Hòa Thượng Thích Như Phẩm 

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM