...

    Giới thiệu vài nét về văn bia chùa Chúc Thánh

    Chùa  Chúc  Thánh  tọa  lạc  phường  Tân  An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746) khai sơn khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) đời Lê, tức khoảng đầu thế kỷ XVIII. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua mười mấy đời trụ trì, tiêu biểu là các Tổ Thiệt Diệu Chánh Hiền, Toàn Đăng Bảo Nguyên, Toàn Nhâm Quán Thông, Ẩn Bính Phổ Bảo, Chơn Chứng Thiện Quả. Các vị Tổ sư kế đăng đã xây dựng, trùng tu, mở rộng chùa trở thành một ngôi danh lam nổi tiếng xứ Quảng.
    van-bia-chua-Chuc-Thanh

    Hiện nay, chùa Chúc Thánh còn lưu trữ khá nhiếu tư liệu Hán Nôm như hoành phi, câu đối, ván khắc, văn bia, kinh điển… Những tư liệu đó giúp ích nhiều cho các nhà nghiên cứu trong công việc tìm hiểu ngôi chùa cũng như dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về một số tấm bia được gắn vào thành chùa. Theo thống kê của chúng tôi, chùa có 10 văn bia, không tính bia tháp các thiền sư được làm giống dạng bia mộ, ít có giá trị bằng bi văn1.

    Văn bia ở đây chủ yếu là bia công đức trong các đợt trùng tu chùa, chỉ có một tấm văn bia của ngài Phổ Bảo ghi chép truyện cao tăng. Các bia được làm bằng đá trắng Non Nước, không có trang trí hoa văn, kích thước khá lớn, gắn trên thân tường. Bia ít thấy đề tên, chỉ có hai bia có tên là Triều Âm phổ bi văn Trí tự hà môn tiên linh minh bi2. Bia không tên, chúng tôi y cứ nội dung, cũng như một vài chữ đầu để đặt tên nhằm dễ phân biệt. Bia ở đây ra đời muộn từ niên hiệu Duy Tân, Khải Định. Xin sơ lược từng bia.

    1. Trùng tu Chúc Thánh tự bi: lập năm Duy Tân Ất Mão (1915) do sưThiện Quả dựng. Bia có ghi lại một số lần trùng tu chùa dưới sự chủ trì của các vị thiền sư, chiếm 6 dòng. Sau đó là danh sách chư sơn cúng dường trùng tu chùa.

    2. Liên Hoa phổ bi: Bia do phổ Liên Hoa lập năm Khải Định thứ 4 (1919), thuộc loại bia công đức, ghi chép danh sách các phổ viên ủng hộ tiền của. Trong đó, có cung thỉnh một số cao tăng đương thời chứng minh.

    3. Triều Âm phổ bi văn: Bia do Phổ Triều Âm lập năm Tân Dậu Trung Hoa Dân Quốc thứ 10 (1921). Bia ghi chép danh sách phổ viên và có nghị định một số điều.

    1. -Trí tự Hà môn tiên linh minh bi. Bia do con cháu họ Hà lập năm Tân Sửu, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thiện Quả. Đây là văn bia ký kị nên có ghi danh sách cùng ruộng đất, tiền của để lo việc cúng giỗ cho tiên linh tại chùa.
    2. -Công đức bi I: Bia ghi danh sách công đức trùng tu chùa Chúc Thánh. Bia chép các vị thiền sư rồi đến viên chức.
    3. -Công đức bi II: Bia ghi danh sách công đức các tín chủ tiến cúng, có thể nối tiếp bia trên.
    4. -Công đức bi III: bia không đề năm do thí sinh Trần Đỉnh xã Minh Hương viết chữ.
    5. -Công đức bi IV: bia ghi danh sách công đức cúng tiền trùng tu chùa, lập năm Kỷ Tị (1929).
    6. -Khải Định lục niên bi: bia do Tăng cang Thiện Quả lập vào năm Khải Định thứ 6 (1921). Bia ghi chép tín chủ cúng ruộng, tiền để lo thờ phụng tổ tiên tại chùa.

    4. Bia tháp Thiền sư Phổ Bảo: Bia ghi chép sơ lược hành trạng Thiền sư Phổ Bảo (1865 – 1914), được gắn phía sau tháp Tổ. Bia do Hồ Doanh Thăng pháp danh Chơn Cẩn soạn và lập năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914).

    Về nội dung, trước hết văn bia ghi chép quá trình khai sáng cho đến trùng tu. Ở đây, chỉ thấy một tấm bia Trùng tu Chúc Thánh tự bi ghi rõ:van-bia-chua-Chuc-Thanh-

    祝聖寺其南州諸山均稱祖庭焉。追昔明朝景泰甲 子年福建省泉洲府同安縣明海和尚祖師振錫南來營 成本寺。五尊七派永久以流芳。花甲幾經相傳而歷 世。遞於紹治乙巳嗣德己丑號貫通和尚平定省人幾 番修補功德不可思議。成泰壬辰號廣圓住持維川縣 人再整規模堂宇依然增壯。成泰甲午年正寺號證道 維川縣人副寺廣達維川縣人同居整焉。嗣而維新辛 亥號普寶住持

    Tạm dịch: Chùa Chúc Thánh được chư sơn ở Nam châu tôn xưng là tổ đình. Xưa do Tổ sư Minh Hải người huyện  huyện Đồng An phủ Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến chống gậy đến đây xây dựng vào năm Giáp Tý thuộc niên hiệu Cảnh Thái triều Minh. Năm tông bảy phái mãi mãi lưu truyền, truyền trao cho nhau nhiều đời. Đến năm Thiệu Trị Ất Tỵ, Tự Đức Kỷ Sửu hòa thượng hiệu Quán Thông người tỉnh Bình Định mấy phen tu bổ, công đức không thể nghĩ lường. Năm Thành Thái Nhâm Thìn, trụ trì hiệu Quảng Viên người huyện Duy Xuyên lại chỉnh đốn qui mô, nhà cửa trang nghiêm. Năm Thành Thái Giáp Ngọ chính tự hiệu Chứng Đạo, phó tự Quảng Đạt người cùng huyện Duy Xuyên cùng ở chỉnh chu. Kế thừa mà đến năm Duy Tân Tân Hợi trụ trì hiệu Phổ Bảo…

    Văn bia cho biết chùa do Tổ Minh Hải lập năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Thái triều Minh, khá giống với cây xà cò mà trước được đặt trên nóc chùa3. Minh văn trên cây xà cò xác định rõ năm Cảnh Thái ngũ niên tức Cảnh Thái thứ 5. Tra vào niên biểu Trung Quốc, niên hiệu Cảnh Thái nhà Minh kéo dài từ 1450 đến 1457, như thế năm Cảnh Thái thứ 5 phải là năm 1454. Năm 1454 không phải là năm Giáp Tý, mà là năm Giáp Tuất. Niên hiệu Cảnh Thái không có năm tương ứng với năm GiápTý. Do đó, ghi chép và cách tính có thể nhầm? Chỉ khi xác định được niên đạiThiền sư Minh Hải thì may ra có thể biết rõ. Theo một bài nghiên cứu mới đây, Thiền sư Minh Hải sinh năm 1670, viên tịch năm 17464. Bia ghi chép khá nhầm, chưa phản ánh đúng niên đại thiền sư nên về năm khai sơn chùa Chúc Thánh khó xác định được.

    Theo bản in Sa Di luật nghi yếu lược tăng chú do sư Minh Hải tự Đắc Trí chùa Chúc Thánh khắc in năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732) thì biết chùa Chúc Thánh đã được lập trước đó rồi. Tờ Kê khai của sư Lê Văn Thể, trụ trì chùa Phước Lâm vào năm Khải Định thứ 8 cho biết Thiền sư Ân Triêm lúc 9 tuổi được cha mẹ đưa xuống học đạo tại chùa Chúc Thánh. Thiền sư Ân Triêm sinh năm Nhâm Thìn (1712) suy ra năm sư được 9 tuổi phải là năm 1720. Như thế, chùa Chúc Thánh phải lập trước năm 1720. Như thế, niên đại lập chùa có thể xảy ra trong niên hiệu Chính Hòa, Vĩnh Thịnh nhà Lê. Bia cho biết đến đời tổ Quán Thông, Chứng Đạo có trùng tu nhiều lần.

    Trong 10 văn bia, chúng ta biết có hai văn bia do hai phổ Liên Hoa và Triều Âm lập. Loại Phổ này ra đời trên cơ sở có chung tín ngưỡng, tức thờ tự một vị thánh, thần hoặc Phật, Bồ-tát. Tại các chùa thuộc Hội An có lập các phổ để sinh hoạt. Các phổ này tương trợ lẫn nhau, chủ yếu là đến các lễ vía thì góp tiền lại lo cúng lễ. Phổ Triều Âm có được 18 hội viên ít hơn Phổ Liên Hoa. Phổ Triều Âm tôn thờ Bồ-tát Quan Âm và phổ Liên Hoa có thể thờ Đức Phật Di-đà nên đến ngày vía hai vị này, toàn phổ lo việc cúng lễ khá chu tất. Nhờ sinh hoạt các Phổ mà tổ đình có được nhiều bổn đạo, nhiều vị bỏ tiền mua đất hương hỏa cho chùa. Trong các đợt trùng tu, các Phổ ủng hộ khá mạnh, giúp cho các vị trụ trì có tiền chi phí công việc.

    Bia chùa còn phản ảnh các gia đình gởi linh ký kị vào chùa, tiêu biểu là Trí tự Hà môn tiên linh minh bi. Văn bia ghi rõ duyên khởi, quá trình cúng đất ruộng, tiền của để nhà chùa lo việc cúng giỗ hằng năm. Theo văn  bia, đó là đạo hiếu của con cháu muốn đền đáp công ơn sinh thành của ông bà tổ tiên.

    Bia còn chép danh sách các vị cúng tiền giúp chùa trùng tu. Có một số tấm ghi chép có thứ lớp, từ các vị cao tăng đến những vị sư ở các chùa, rồi mới đến quan viên, tín chủ, Phật tử. Danh sách này giúp chúng ta có cái nhìn khá toàn diện về quá trình giao lưu, bố giáo của các vị trụ trì bổn tự mới được mọi người xuất tiền của lo trùng tu.

    Một văn bia khá hay ghi chép về hành trạng Thiền sư Phổ Bảo (1865-1914), một vị trụ trì đã có công xây dựng và để lại vị pháp tử kế nhiệm ngài. Văn bia cho biết sư sinh năm Ất Sửu niên hiệu Tự Đức (1865). Vào tiết Trung nguyên năm Kỷ Mão (1879), ngài xin xuất gia tại chùa Tam Thai với Hòa thượng Mật Hạnh. Năm Giáp Thân (1884) niên hiệu Kiến Phước, ngài được ban pháp tự là Tổ Thuận. Năm Kỷ Sửu (1889) niên hiệu Thành Thái, Hòa thượng Qui Trú chùa Thiên Tôn Phú Yên khai giới đàn, Ngài thọ tam đàn cụ túc giới. Năm Quí Tị niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893), Ngài được Hòa thượng Vĩnh Gia chùa Phước Lâm phó chúc, cho Pháp hiệu là Phổ Bảo đại sư. Năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), Ngài được chư sơn cung cử chức vị trú trì chùa Chúc Thánh. Năm Tân Hợi thuộc niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911), Ngài đứng ra trùng tu chùa khang trang. Ngài thị tịch vào giờ chính ngọ ngày 11 tháng 2 năm Duy Tân thứ 8 (1914)5.

    Tóm lại, qua khảo sát văn bia chùa   Chúc   Thánh,   chúng   ta đã từng bước bóc tách một số nội dung khá hay. Tuy văn bia ra đời muộn nhưng cũng cung cấp cho chúng ta  cái nhìn toàn diện về ngôi  chùa  qua các thời kỳ xây dựng. Đây là những tư liệu Hán Nôm đáng trân trọng cần được triển khai tìm hiểu, giúp ích cho công việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo tại Quảng Nam và dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

    Chú thích:

    1. Văn bia tháp có bia tháp Tổ Minh Hải, Thiệt Diệu, Đại Dõng Siêu Căn, Kim Liên… là có giá trị trong việc tìm hiểu các văn bia thời các chúa Nguyễn.
    2. Bia lập năm Tân Sửu (1901)
    3. Lời văn ghi: “Minh triều Cảnh Thái ngũ niên, tuế thứ Giáp Tý, Phúc Kiến tỉnh, Tuyền Châu phủ, Đồng An huyện Minh Hải hòa thượng Lương tổ sư thủy tạo”.
    4. Thích Như Tịnh, Bổ chính sử liệu về thiền sư Minh Hải Pháp Bảo trong Suối Nguồn, số 2, năm 2011.

    Chúng tôi sẽ công bố bản dịch văn bia này trong một bài khác.

    Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 147, bài và ảnh: ĐỒNG  DƯỠNG

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM