Hai Pháp khí của tượng Bồ-tát Quán Âm Tara được bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam
UBND xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) vừa tiến hành bàn giao hai hiện vật con ốc và đóa sen của tượng Bồ-tát Quán Âm Tara cho Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận, bảo quản.
Theo các nhà nghiên cứu, tượng Bồ-tát Quán Âm Tara (Laksmindra – Lokesvara) là pho tượng Phật giáo bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chămpa và là pho tượng đồng duy nhất mang những đặc trưng về thủ pháp tạo hình cũng như những đặc trưng về tiếu tượng học của nền nghệ thuật Phật giáo Chămpa mà đặc biệt là phong cách Đồng Dương.
Năm 1978, một nhóm dân làng Đồng Dương tình cờ phát hiện pho tượng Bồ-tát Tara bằng đồng lớn được chôn giấu tại di tích Phật viện Đồng Dương. Ngay sau khi được phát hiện, pho tượng này đã được thu hồi, đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng và hiện nay được lưu giữ – trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Cũng trong năm 1978, một nhóm dân làng thôn Đồng Dương phát hiện đóa sen và con ốc tại di tích Phật viện Đồng Dương và được UBND xã Bình Định Bắc thu hồi, cất giữ. Từ năm 1978 đến nay, đóa sen và con ốc được các chủ tịch xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình thay nhau cất giữ.
Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Đóa sen được xác định là vật cầm ở bàn tay phải, con ốc cầm bàn tay trái (pháp khí) là hai pháp khí quan trọng của tượng.
Tượng Bồ-tát Quán Âm Tara Năm 1978, các nhà khảo cổ nước ta đã phát hiện được pho tượng Đồng Dương thứ hai, có cùng niên đại với pho tượng Đồng Dương tìm thấy năm 1902. Tượng này nằm ở độ sâu gần 2m, dưới nền di tích cổ của thành phố thần Indra, giữa những tháp Chàm. Đây là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm, thể hiện hình tượng Bồ-tát Tara – một trong số nhiều hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Tượng Bồ-tát Tara có niên đại vào thế kỷ thứ 9, hiện vật gốc độc bản này đại diện cho di tích nền móng Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chăm-pa. Hiện vật này gắn liền với sự kiện vua Chăm-pa Indravarman II đã cho xây dựng ở đây một Phật viện và một đền thờ để thờ Bồ-tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875. Pho tượng được đúc bằng đồng trong tư thế đứng, cao 114cm, hiện đang được bảo lưu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-pa, TP.Đà Nẵng. Tượng tạc thân hình nữ giới mảnh khảnh, nét mặt nghiêm nghị. Phần thân trên để trần, ngực căng tròn, phía thân dưới mặc xà-rông. Cặp lông mày rậm tạo thành đường lõm, nạm ngọc. Mắt tượng tạo bởi những viên đá quý với hai màu đen trắng để thành tròng trắng và đen của con ngươi. Pho tượng có thêm con mắt ở giữa trán hình thoi, cho thấy Phật giáo thời kỳ này còn chịu ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ giáo. Những nghệ sĩ dân gian xưa đã kết hợp giữa phong cách nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ với chân dung phụ nữ Chăm để tác tạo hình ảnh Bồ-tát có phong cách đặc thù. Hai bảo tượng Bồ-tát Ta Ra và tượng Phật Đồng Dương là hai pho tượng bằng đồng cổ nhất nước ta, mặc dù đã có tuổi trên 1.300 năm nhưng vẫn còn rất tốt, cho thấy sự hoàn hảo trong kỹ nghệ đúc đồng cổ xưa, không chỉ là báu vật vô giá của Việt Nam mà còn chiếm giữ vị thế vô cùng quan trọng đối với văn hóa khảo cổ ở Đông Nam Á. |
Nhật Quang – Trần Vũ