...

    Lan tỏa tinh thần Vu lan

    Hòa thượng Thích Thiện Thành – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam cho rằng, giữa bối cảnh dịch bệnh, việc báo hiếu tốt nhất trong mùa Vu lan là bằng hành động thiết thực, tăng ni, Phật tử hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực chung tay cùng chính quyền các cấp phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời tham gia hỗ trợ giúp đỡ đồng bào khó khăn do ảnh hưởng đại dịch. Thể hiện tinh thần đó tức là thể hiện đúng lời dạy của Phật trong đại lễ Vu lan báo hiếu.

    Hòa thượng Thích Thiện Thành – Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh trao ủng hộ số tiền 30 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh Quảng Nam. Ảnh: V.A

    VU LAN GIỮA ĐẠI DỊCH

    Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức các hoạt động như lúc bình thường; vì thế các tăng ni, phật tử ở Quảng Nam đã có những cách làm phù hợp để mùa Vu lan báo hiếu được diễn ra tốt đẹp.

    Hòa thượng Thích Thiện Thành – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam đã có thông bạch về việc tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2565 – dương lịch 2021.

    Thực hiện thông bạch của Trung ương GHPG, Ban Trị sự GHPG tỉnh đề nghị tăng ni, phật tử trong tỉnh tiếp tục thực hiện lời kêu gọi “ai ở đâu ở yên đấy”. Đồng thời tổ chức tụng kinh Vu lan – báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an.

    Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ “bông hồng cài áo” và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Bên cạnh đó, Ban Trị sự GHPG tỉnh đề nghị các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử và nhân dân. 

    Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn, Ban Trị sự GHPG Quảng Nam kêu gọi tăng ni, phật tử chia sẻ, giúp đỡ đồng bằng trong mùa Vu lan báo hiếu. Ảnh: Phật giáo Quảng Nam

    Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết thêm, các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng, ni đang an cư kết hạ trong nội viện, nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương và phải nghiêm túc thực hiện nghiêm quy định 5K, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đảm bảo giãn cách theo quy định… 

    Nhân mùa Vu lan, Ban Trị sự GHPG tỉnh cũng tổ chức chương trình tọa đàm nói về ý nghĩa, nguồn gốc lễ Vu lan và nghi thức “bông hồng cài áo”. Hướng dẫn chư tôn đức, tăng ni sử dụng mạng xã hội, kênh trực tuyến để làm lễ cầu siêu tại bổn tự cho phật tử theo dõi, tụng kinh tại gia…

    Chia sẻ về ý nghĩa, thông điệp của lễ Vu lan, Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết, lễ Vu lan là lễ trọng của Phật giáo, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên, đề cao đạo nghĩa dân tộc. Theo Phật giáo có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, gồm có ân Tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại.

    Thực hiện chỉ đạo của Trung ương GHPG Việt Nam, Ban Trị GHPG tỉnh đã đề nghị các chùa, cơ sở tự viện tổ chức tụng kinh thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì Covid-19 được tịnh độ. Luôn cầu nguyện cho dịch Covid-19 qua mau, cầu nguyện đem năng lượng thiện lành để giúp đỡ mọi người, nhất là những người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thêm lạc quan, yêu đời vượt qua bệnh tật.

    TIẾNG NGUYỆN CẦU GIỮA TÂM DỊCH SÀI GÒN

    Những buổi lễ cầu siêu được diễn ra trang trọng ở các chùa chiền trong tâm dịch Sài Gòn, xoa dịu nỗi đau của người ở lại, cầu nguyện cho hương linh những người đã khuất được nhẹ nhàng siêu thoát, cầu cho đại dịch sớm đi qua.

    Đại lễ Vu lan cầu siêu các vong linh nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở chùa Giác Ngộ (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: THÁI SƠN

    Boong… boong… boong… hồi chuông ngân dài mở đầu cho đại lễ Vu lan tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) vào đêm 16.8.2021. Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh thành phố trải qua hơn 3 tháng chống chọi với đại dịch và đang trong tình trạng giãn cách toàn xã hội. Không cờ hoa rực rỡ, không nghi ngút khói nhang và sự hiện diện của các phật tử, buổi đại lễ diễn ra trong không khí trầm mặc, cầu siêu các hương linh qua đời vì Covid-19.

    Thượng tọa Thích Nhật Từ tiến hành nghi thức dâng hương lên bàn thờ chung cho tất cả hương linh qua đời do đại dịch. Tăng ni trong tăng đoàn cùng hàng nghìn phật tử đang theo dõi buổi lễ qua kênh trực tuyến dành 1 phút để tưởng niệm hơn 6.000 người Việt Nam và hơn 4 triệu người trên toàn thế giới đã vĩnh viễn ra đi trong đại dịch. “Một lần nữa mùa hiếu hạnh lại trở về. Năm nay giữa những ngày đại dịch phức tạp trên trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, thật đau đớn khi các nạn nhân tử vong không kịp nghe lời kinh, tiếng kệ của tăng ni tiễn đưa” – vị Thượng tọa ngậm ngùi nói.

    Dịch bệnh khiến hàng nghìn gia đình lặng lẽ vĩnh biệt người thân, họ không thể ở cạnh chăm sóc và nói lời sau cuối, họ cũng không thể có mặt ở nhà hỏa táng để nhìn thấy linh cữu phút sau cùng. Mọi thứ diễn ra đột ngột, cô quạnh và đau thương. Thấu cảm nỗi mất mát to lớn đó, Ban Trị sự GHPG TP.Hồ Chí Minh cùng các chùa, cơ sở tự viện toàn thành phố tổ chức lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì Covid-19 trong mùa Vu lan báo hiếu này.

    Trong buổi đại lễ Vu lan tại chùa Giác Ngộ, trước khi bài kinh Vu Lan vang lên, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đọc tên những người mất trong đại dịch, cầu mong vong hồn họ được siêu độ cõi cực lạc. 17 trang giấy, mỗi trang ghi tên người thân của các phật tử. Mất mát không gì đo đếm được càng khiến mọi người phát tâm chung tay những gia đình khó khăn, quyết đẩy lùi dịch bệnh. Vị trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết ông cảm thấy tâm trạng rất nặng nề: “Kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến các thân nhân, mong tất cả sớm vượt qua nỗi đau vô thường, để người ra đi sớm được về với cảnh giới an lành”.

    Mùa hiếu hạnh năm nay, tâm trí của con người trở nên rối bời hơn, thách thức từ đại dịch, nỗi lo về cơm áo khiến tâm trạng có phần chông chênh. Thế nhưng, Vu lan nhắc nhớ về đạo hiếu, không chỉ là những vật chất bên ngoài, mà trọng tâm là cách những người con biết trân trọng phút giây được gần gũi bên mẹ cha, giữ gìn đạo nghĩa dân tộc, lá lành đùm lá rách.

    Vu Lan lặng lẽ, tuy không thể cài lên áo đóa hoa hồng, nhưng chuỗi ngày giãn cách giúp các gia đình có cơ hội ở cạnh nhau nhiều hơn. Tạm gác bộn bề mưu sinh, đây là dịp để mỗi người con thể hiện tình yêu thương với đấng sinh thành.

    TRỌN ĐẠO LÀM CON

    Ở tổ 4, thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, bà con lối xóm luôn cảm phục đức hiếu hạnh của bà V.T.T. (52 tuổi, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sen). Báo hiếu ba mẹ chồng như ba mẹ ruột, điều tưởng chừng đơn giản ấy không phải ai cũng làm được, như bà T.

    Bà T. chăm sóc cho mẹ chồng. Ảnh: CTV

    Những biến cố cùng gánh nặng gia đình, cơm áo… có lúc khiến bà T. gục ngã. Nhưng với sự chịu thương, chịu khó của một phụ nữ, đức hiếu của người con, bà đã vượt qua tất cả. Nhiều người quý và thương bà T. không chỉ ở tính cách mà còn ở cách sống, cư xử, đối đãi với gia đình bên chồng. “27 năm làm vợ, làm dâu, tôi luôn xem ba mẹ chồng cũng như ba mẹ đẻ, đã là đấng sinh thành thì bên nào cũng đáng kính” – bà T. chia sẻ.

    Tháng 12.2019, chồng bà T. không may bị tai nạn giao thông qua đời, để lại cho bà 2 con và ba mẹ chồng ngoài 80 tuổi cùng người mẹ đẻ sống một mình, nay cũng già yếu. Trong khi mẹ chồng thường xuyên đau ốm do bệnh cột sống thì trước đó ba chồng cũng nằm một chỗ vì tai biến lâu năm. Không còn chồng bên cạnh, dù buồn tủi nhưng bà T. luôn gắng gỏi làm tròn đạo làm con, thay chồng chăm sóc ba mẹ.

    Lúc ở nhà, bà luôn kề cận ba mẹ chồng, khi xoa bóp tay chân cho ông bà, lúc ngồi thủ thỉ trò chuyện để ông bà quên đi những cơn đau nhức, nỗi nhớ con trai quá cố của mình. Mọi việc ăn, tắm, giặt, vệ sinh, bà đều làm mà không nề hà, than vãn.

    Sau thời gian chồng mất do tai nạn, ba chồng vì tuổi cao sức yếu nên cũng đã qua đời sau đó 7 tháng. Khó khăn, tang thương chồng chất, nhưng bà T. đã cố gắng vượt qua để hương khói cho người ra đi, chăm sóc mẹ chồng và tiếp tục công việc dạy học.

    Mới đây, ngày giáp năm ba chồng, chị em ở xa do dịch bệnh Covid-19 không thể về, mình bà T. đứng ra cán đáng việc cúng kính lễ nghi. “Trước đây cực khổ cũng có người san sẻ, động viên, nay không còn chồng bên cạnh, một mình phải lo trong lo ngoài, gánh hết mọi chuyện phải trái, nhiều lúc khiến tôi suy sụp và buồn tủi. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống vẫn phải tiếp tục, đạo hiếu làm đầu. Tôi cố gắng gác lại niềm đau để sống tiếp, bởi gia đình cần đến tôi” – bà T. chia sẻ.

    Mẹ đẻ của bà T. nay đã 75 tuổi, sống một mình. Hằng ngày, bà T. phải chạy lên chạy xuống để lo cho hai mẹ. Lúc chăm mẹ đẻ, lúc lo mẹ chồng. Hiểu tính người già nên bà luôn ân cần, nhẹ nhàng. “Chị em ở xa, tôi không lo thì biết ai thay. Lúc mệt tôi lại nghĩ đến lời mẹ đẻ tôi khuyên “phúc đức tại mẫu, con cứ ráng làm tròn đạo hiếu, sau này để phúc lại cho con của mình”.

    Bà Nguyễn Thị Thuận – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đàn Trung cho biết, bà T. là người đức hạnh, sống có nghĩa có tình, là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, bà con lối xóm ai cũng khen ngợi. Không những thế, còn tham gia công tác phụ nữ, thường đến các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn… để động viên chia sẻ.

    LẶNG LẼ GÓP SỨC CHO ĐỜI

    Trong gian nan dịch bệnh, họ lặng lẽ góp sức của mình để lan tỏa lòng nhân ái. Mùa Vu lan, tinh thần tương thân tương ái, hy sinh vì đồng bào lặng lẽ tỏa hương.

    Chị Na chăm sóc bệnh nhân trong một ca trực. Ảnh: S.S

    Nỗi lòng của mẹ 

    Áp lực, vất vả là điều đã quá quen thuộc với nhân viên y tế khi dịch bệnh Covid-19 ập đến. Với nữ điều dưỡng Huỳnh Thị Ly Na (Bí thư chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình) còn thêm nỗi nhớ con. Chồng là quân nhân, thế là cả 2 vợ chồng đều tham gia tuyến đầu chống dịch. Đã nhiều tháng nay, anh ở trong doanh trại, chị thì quần quật trong khu cách ly. Hai con sinh đôi Bi và Big, mới 5 tuổi, chị đành gửi lại cho bà nội.

    Làm việc trong ngành y, chị không còn xa lạ với những ca trực đêm. Thế nhưng, trước đây lâu nhất thông thường chỉ là 48 tiếng đồng hồ xa con. Dịch bệnh  xảy ra, huyện Thăng Bình xuất hiện những ca dương tính, kéo theo đó là nhiều ca F1 khiến quãng thời gian xa con của chị Na tính bằng tuần.

    Nhiệm vụ của chị cùng đồng nghiệp là tiếp nhận những ca F1 có bệnh nền. Khuất sau bộ đồ bảo hộ kín mít, chị đồng hành với bệnh nhân. Bất kể đêm, ngày. Như một người thân, dùng kiến thức chuyên môn để chia sẻ đến bệnh nhân những điều tốt nhất có thể. Những lúc như thế, nụ cười của người bệnh lại là liều thuốc giúp chị phần nào vơi đi nỗi nhớ con thơ.

    Chị Na kể, bà nội không dùng điện thoại thông minh, chị lại hay tất bật với công việc nên những cuộc gọi video với con cũng rất thưa thớt. Nhìn con qua màn hình điện thoại, đôi khi nước mắt lại trào ra. Những cuộc gọi chớp nhoáng, những câu nói đầy hồn nhiên của trẻ thơ cứ xoáy thêm nỗi nhớ con trong chị.

    Chị Na tâm sự: “Đi một, hai ngày thì còn có thể gắng gượng nhìn ảnh, xem video các con nhưng đến ngày thứ ba là lòng nặng trĩu. Con nói, xa mẹ con không khóc, nhưng mà con nằm nghiêng tự nhiên nước mắt con chảy ra. Nghe mà thắt ruột!”.

    Nhà với cơ quan chỉ cách nhau chưa đầy 500m thế nhưng khoảng cách như xa vời vợi. Những khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi, buông bộ đồ bảo hộ xuống, hình ảnh hai cậu trai tinh nghịch ở nhà lại hiện ngay trong đầu chị.

    Nhớ con bao nhiêu chị càng thương ông bà nội, ngoại bấy nhiêu. Sức khỏe yếu nhưng bà nội chăm các cháu từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ông ngoại ngày ngày vẫn ngược xuôi, qua thăm nom các cháu, lúc thì đưa đón đi học, khi thì mua đồ ăn.

    “Nước mắt chảy xuôi, thành ra, ông bà cứ mãi vất vả vì cháu con. Cho dù đã là mẹ 2 con thì vẫn cứ là đứa con nhỏ cậy nhờ ba mẹ lo lắng. Bây chừ chỉ biết cầu mong sao đận dịch này sớm qua đi” – chị Na nói.

    Sẻ chia từ tâm

    Gương mặt lộ rõ vẻ mệt nhoài vì những chuyến rong ruổi tình nguyện liên tục nhưng trong ánh mắt của Nguyễn Hữu Trọng (23 tuổi, Điện Thắng Trung, Điện Bàn) vẫn lấp lánh niềm vui khi trao đi tấm lòng sẻ chia với bao phận người gian khó trong đại dịch, dù chỉ là những phần ăn hay bao gạo.

    Nguyễn Hữu Trọng (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên trong nhóm miệt mài hỗ trợ người khó khăn và lực lượng chống dịch trong gần ba tháng qua. Ảnh: S.S

    Là người buôn bán thực phẩm tự do, công việc của Trọng gặp lắm trắc trở nhưng lòng trắc ẩn đã thôi thúc anh phải gắng giúp đỡ mọi người. Từ sự trợ lực của nhà thuốc Thăng Hoa và một người bà con có lòng hảo tâm, Trọng đã kêu gọi thêm các tấm lòng khác góp sức, góp thực phẩm, góp tiền tổ chức nấu hàng ngàn suất ăn trao gửi tại các bệnh viện, khu cách ly, chốt kiểm soát.

    “Dịch giã ni tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, nhất là người nhà bệnh nhân, họ khó đủ đường rồi. Nhiều cô, dì đi chăm bệnh hối hả chờ nhận phần cơm từ anh em trong nhóm đôi lúc họ ứa nước mắt làm mình cũng rưng rưng” – Trọng chia sẻ.

    Một tay Trọng tiếp nhận kinh phí, lên thực đơn đi chợ rồi lại xắn tay cùng mọi người nấu nướng, đóng gói phần ăn, chẳng nề hà việc gì. Có lẽ với hoàn cảnh phải tự lập từ nhỏ, lăn lộn qua cuộc sống nhọc nhằn, chàng trai này thấu hiểu hơn ai hết những vất vả của người lao động, người neo đơn, khuyết tật.

    Trọng mồ côi mẹ rồi đến cha từ khi còn nhỏ. Chẳng muốn nhắc nhiều về điều đó, nhưng tận sâu trong lòng, Trọng muốn cho đi với từng mảnh đời bởi bao gương mặt khắc khổ mà anh giúp đỡ mỗi ngày, mường tượng họ cũng giống cha mẹ mình. Nhiều đêm, Trọng chỉ kịp chợp mắt đôi ba tiếng, và tờ mờ sáng lại trở dậy đi như một con ong cần mẫn.

    Với nguồn lực hạn hẹp, Trọng tìm mọi cách để tận dụng sự tài trợ của nhà hảo tâm để giúp được nhiều người nhất có thể. Từ việc vận động những phụ nữ nấu ăn đám cưới xắn tay vào nấu nướng giúp rồi hô hào hỗ trợ được chuyến xe 0 đồng vận chuyển hàng cho đến ai phát tâm ủng hộ bao gạo, hộp sữa Trọng đều xởi lởi đón nhận.

    “Của ít, lòng nhiều. Tôi chỉ mong san sớt một chút nhọc nhằn của người nghèo khó. Mùa Vu lan này sẽ lặng lẽ hơn do dịch bệnh nhưng tôi tự nhủ mỗi sự cho đi như vậy đã là một niềm vui, xứng đáng với công ơn nuôi dạy của đấng sinh thành” – anh Trọng bộc bạch.

    Miền thương nhớ

    Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm phật, đạo hiếu là đạo Phật”. Ngày nội tôi còn sống, bà vẫn thường hay nhắc đến câu nói ấy những mong nhắc nhớ cháu con phải giữ trọn đạo hiếu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chăng nữa. Giờ đây, nội tôi đã ngơi chân bên vạt cỏ, nhưng mỗi mùa Vu lan về, trong tôi luôn bùi ngùi một tình thương cùng mớ hoài niệm cũ vô cùng đẹp.

    Vào đêm rằm tháng Bảy, nội tôi luôn chuẩn bị lễ vật hương hoa quả, xôi chè cúng ông bà tổ tiên. Sau đó, mấy bà cháu dắt nhau qua chùa nghe kinh Phật và mấy lời giảng đạo hiếu của các thầy.

    Sau mọi nghi thức, nội chọn cho mình bông hoa hồng màu trắng cài lên chiếc áo bà ba sờn cũ. Nội không quên cài cho chị em tôi bông hoa hồng đỏ thắm và dặn dò: “Về chùa mùa Vu lan, những ai mất mẹ thì cài hoa trắng, còn mẹ thì cài hoa đỏ. Mai sau khôn lớn, nhớ hiếu thuận với ba, với má nghe không?”. Lời dặn ấy như hóa vào tiếng chuông chùa vọng mãi phía hồn tôi.

    Tôi thấy may mắn khi mỗi mùa Vu lan về lại được cài trên ngực hoa hồng đỏ. Nhìn dòng người cài hoa trắng, tôi rưng rưng hiểu những mất mát, nuối tiếc xen lẫn nhớ thương trong họ để từ đó trân quý tài sản quý nhất của đời mình. Bằng cách này hay cách khác, tôi luôn muốn dành cho má điều tốt đẹp như may bộ đồ mới, nấu một bữa ăn ngon, thi thoảng sửa lại vành nón lá chao nghiêng vì sương gió trên cánh đồng chiều của má.

    Năm nay Vu lan lại về, làn gió heo may khô khốc đưa nỗi nhớ nội của tôi đi tận miền xa ngái. Má tôi không quên thay bà sắm sửa lễ vật cúng tổ tiên, cầu siêu tịnh độ cho ông bà đã khuất. Tiếng chuông chùa gần nhà lại ngân vang, tôi chắp tay nguyện cầu bình an cho má. Bởi tôi tự biết an định lòng mình khi thấy má vẫn còn hiện hữu giữa cuộc đời này.

    Dẫu đang bơi trong muôn vàn khổ đau hay hạnh phúc, mùa Vu lan về, tôi trải rộng thương nhớ và khao khát những ngày sau…(NHƯ TRANG).

     H. SẤU – T. SƯƠNG – N. TOÀN – V. ANH (QNO)

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM