...

    Lễ hằng thuận – Nét đẹp văn hóa Phật giáo

    Lễ hằng thuận được coi là nét đẹp văn hóa Phật giáo được nhiều bạn trẻ lựa chọn thay vì tổ chức lễ cưới tại gia với mong muốn hạnh phúc, phước lành. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nghi lễ này. Cùng tìm hiểu lễ hằng thuận là gì? ý nghĩa cũng như nghi thức tổ chức ra sao.

    1. Lễ hằng thuận là gì?

    Lễ hằng thuận bắt nguồn từ tín ngưỡng của Phật giáo, vốn dĩ là một lễ cưới được tổ chức tại chùa hoặc thiền viện lớn theo nghi thức Phật giáo Việt Nam với chủ hôn là thầy trụ trì. Theo tên gọi, “hằng” có nghĩa là thường xuyên, “thuận” là hòa thuận. Hai từ này là chỉ cái đẹp trong mối quan hệ vợ chồng. Do vậy lễ hằng thuận đang dần trở lên phổ biến trong cộng đồng bởi những mong muốn tốt đẹp của nó.

    Nguồn gốc của lễ hằng thuận

    Lễ hằng thuận có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế trong một lần trở về kinh thành vào dịp hôn lễ của vương tử Mahanama cưới vợ. Vì vậy, ngài đã đến và minh chứng cho buổi lễ, Đức Thế Tôn đã ban những lời dạy cho vợ chồng Vương tử về bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ đối với con cái, trách nhiệm đối với gia đình và họ hàng 2 bên. Ngài cũng căn dặn hai người sẽ cùng đi bên nhau suốt cuộc đời, cùng nhau vượt qua những trở ngại và khó khăn.

    Tổ chức lễ hằng thuận tại chùa

    Ở Việt Nam, lễ hằng thuận đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử phật giáo được tổ chức tại chùa cổ Tư Đàm (Huế), kết duyên cho cặp vợ chồng là bà Lê Thị Hoành (con cái bác sĩ phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám) với ông Hoàng Văn Tâm. Bên cạnh đó cũng có một vài nguồn tư liệu khác cho rằng lễ hằng thuận đầu tiên do thầy Thích Thâm Thi tổ chức tại chùa Vọng Cung, Nam Định. Đến năm 1971, hòa thượng Thích Thiện Hòa chính thức đặt tên cho nghi thức này là lễ hằng thuận.

    2. Ý nghĩa của lễ hằng thuận

    Cuộc sống hiện đại cùng sự phóng khoáng trong cuộc sống khiến con người ngày càng cởi mở. Những cũng vì vậy yêu thương cũng nhanh chóng đến và đi, khiến các cuộc hôn nhân không bền chặt.

    Trước những thay đổi như vậy, thông qua lễ hằng thuận, phật giáo đã giúp cho phật tử và những ai hướng phật sắp bước đến hôn nhân nhận thức được sự quan trọng về nền tảng đạo đức, hiểu được ý nghĩ của chung thủy.

    Lễ hằng thuận có sự góp mặt của gia đình, bạn bè và sư tăng cùng trụ trì buổi lễ

    Có thể nói lễ hằng thuận chính là mong muốn thuận hòa trong hôn nhân, tôn trọng lẫn nhau, sống trọn đạo vợ chồng. Vợ chồng tương thuận, hòa hợp, nhường nhịn, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau làm tròn trách nhiệm và bổn phận làm dâu, làm rể, làm cha mẹ với con cái.

    Lễ hằng thuận không phải là nghi lễ bắt buộc mà dựa trên sự tự nguyện của hai vợ chồng, điều này thể hiện cô dâu và chú rể đã ý thức về trách nhiệm của họ trong hôn nhân và muốn Đức phật chứng giám.

    3. Tổ chức lễ hằng thuận khi nào

    Lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa Quán Sứ

    Theo phong tục cưới hỏi truyền thống, hiện nay có 3 nghi lễ chính là: Lễ dạm ngõ, lễ đính và lễ cưới. Do vậy, nếu cặp đôi muốn tổ chức lễ hằng thuận thì sẽ tiến hành tổ chức cùng với lễ cưới để tiện cho khách mời tham gia nhất. Thông thường là một trong hai thời điểm sau:

    • Sau lễ rước dâu: Khi kết thúc lễ đón dâu, gia đình nhà trai và nhà gái di chuyển đến chùa tiến hành nghi thức lễ hằng thuận tại chùa rồi mới đưa về nhà trai.
    • Sau khi hoàn thành nghi thức: Một thời điểm khác có thể lựa chọn tổ chức lễ hằng thuận là khi đã kết thúc tất cả các nghi thức đón dâu về nhà trai và hoàn thành nghi thức cưới hỏi tại gia.

    Tuy nhiên, thực tế thì việc tổ chức lễ hằng thuận còn phụ thuộc vào thời gian phù hợp của nhà chùa tại địa phương, các thầy sẽ căn cứ vào hoạt động thường ngày để sắp xếp thời gian và lịch trình cho phù hợp. Nếu bất đắc dĩ không thể tổ chức cùng ngày thì lễ hằng thuận sẽ được cân nhắc rời vào 1 đến 2 ngày sau đám cưới.

    4. Nghi thức lễ hằng thuận

    Nghi lễ hằng thuận tương đối giống với các đám cưới thông thường khác. Một buổi lễ thường diễn ra từ 45 đến 60 phút tùy theo quy định của mỗi ngôi chùa. Nghi thức tổ chức lễ hằng thuận có trình tự cơ bản như sau:

    4.1 Ổn định chỗ ngồi

    Hai bên gia đình và bạn bè cặp đôi ngồi được xếp chỗ ngồi theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” tức nhà trai bên phải, nhà gái bên trái. Cặp đôi quỳ trước bàn chính diện nơi thực hiện nghi thức kết duyên, hướng về nơi thờ phật và nghe theo chỉ dẫn của chủ hôn. Chủ hôn tại chùa có thể là thầy trụ trì hoặc một vị hòa thượng.

    Cặp đôi quỳ trước bàn chính diện nơi thực hiện lễ hằng thuận

    Trước khi làm lễ, cặp đôi sẽ được chủ trì làm lễ quy y nếu một trong hai người chưa có pháp danh. Sau đó chủ trì công bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự của 2 gia đình. Đại diện của 2 bên sẽ phát biểu trước khi tiến hành nghi lễ chính.

    4.2 Thực hiện nghi lễ chính

    Đầu tiên, cặp đôi lần lượt đọc lời tuyên thệ đã được chuẩn bị từ trước cũng như lắng nghe những lời giảng của chủ trì buổi lễ về đạo lý trong hôn nhân và gia đình cũng như xã hội. Chủ hôn lễ sẽ buộc dây tơ hồng biểu trưng bằng len, lụa hoặc ruy băng với ý nghĩa gắn bó lâu bền, bên nhau trọn đời.

    Cặp đôi phát biểu trong lễ hằng thuận

    Tiếp đến cặp đôi thực hiện đảnh lễ niệm ân cha mẹ 2 bên thể hiện sự biết ơn công lao nuôi nấng. Sau đó, cặp đôi tiến hành nghi lễ “phu thê giao bái”, trao nhẫn và ký tên vào giấy chứng nhận rồi cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.

    Cùng với đó, đại diện hai bên gia đình sẽ khấn nguyện trước Đức Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cặp đôi đôi cách để xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Sau đó, nhà chùa và gia đình nhà trai, nhà gái có thể tặng quà hoặc tặng hoa để kết thúc buổi lễ.

    4.3 Tiệc sau lễ

    Sau khi buổi lễ hằng thuận tại chính điện kết thúc, hai bên gia đình cân nhắc thời gian để mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè thưởng thức tiệc trà bánh nhẹ nhàng hay một bữa tiệc chay.

    Lễ hằng thuận tổ chức tại chùa

    Nếu cặp đôi tổ chức lễ hằng thuận ngay sau lễ rước dâu từ nhà gái thì tiệc ngọt là thích hợp để tiết kiệm thời gian cho thủ tục thành hôn tại nhà trai sau đó. Tiệc chay phù hợp với lễ hằng thuận được tổ chức sau khi kết thúc lễ cưới ở nhà trai. Bữa tiệc này thường được tổ chức ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật.

    5. Lưu ý khi chuẩn bị lễ hằng thuận

    Khác với lễ ăn hỏi hay lễ cưới, lễ hằng thuận không quá cầu kỳ về trang trí, ăn uống hay trang phục. Tuy nhiên cũng cần những lưu ý sau để buổi lễ diễn ra trọn vẹn.

    • Phần trang trí: Thông thường, trang trí sẽ được các sư tăng và phật tử chuẩn bị giúp. Một số nơi sẽ cho phép cặp vợ chồng chọn màu sắc, loại hoa trang trí, trà và bánh theo sở thích. Nên chọn màu nhã nhặn hợp với không khí trang nghiêm, thanh tịnh của ngôi chùa.
    • Phần trang phục: Đối với cô dâu, chú rể mặc áo dài truyền thống, họa tiết đơn giản. Các khách mời trang phục đảm bảo trang trọng và lịch sự phù hợp với tôn nghiêm, phái nữ có thể chọn áo dài, phái nam chọn vest tối màu.
    • Hỏi trước về tiệc chay sau lễ: Không phải ngôi chùa nào cũng có đủ khuôn viên để tổ chức tiệc chay. Do đó nếu muốn có bữa cơm thân mật sau buổi lễ, cô dâu chú rể nên hỏi trước sư trụ trì để nắm được thông tin và có giải pháp.

    Hy vọng bài viết trên giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như trình tự diễn ra của nghi thức lễ hằng thuận. Việc tổ chức lễ hằng thuận trong chùa không chỉ đem đến một lễ cưới trang nghiêm cho các cặp đôi mà còn giúp 2 người hiểu rõ hơn về đạo lý vợ chồng, sự chia sẻ, vun vén vượt qua khó khăn và thử thách cách trong cuộc sống. Không chỉ vậy, trong buổi lễ này, cặp vợ chồng còn hiểu hơn về cách cư xử sao cho trọn đạo con cái với 2 bên gia đình, cách làm cha làm mẹ tương lai.

    (Nguồn: anvientv.com.vn)

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM