Phượng cúng là loại hoa quen thuộc được Phật tử chùa Viên Minh quê tôi (Quảng Nam) hái đem dâng Phật. Hồi xưa không dễ có hoa cúc, hoa ly để mua về cúng như giờ, mà nếu có chắc cũng không có tiền mua.
Thử tìm hiểu thì mới biết, phượng cúng còn được gọi là kim phượng. Hoa nằm trong chi Caesalpinia thì loài cây phổ biến nhất được trồng là Caesalpinia pulcherrima (còn có danh pháp hai phần cũ là Poinciana pulcherrima). Tên gọi trong tiếng Việt của loài hoa này là kim phượng, phượng ta, điệp, điệp cúng. Tên gọi theo phiên âm Hán-Việt là: phiên hồ điệp, kim phượng hoa, khổng tước hoa, hoàng hồ điệp. Nhìn bề ngoài, phượng cúng khá giống với cây phượng vĩ có danh pháp khoa học là Delonix regia cùng phân họ.
Cây phượng cúng là một loài cây bụi cao tới 3m, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới thuộc châu Mỹ. Lá của nó là loại lông chim kép, dài 20-40cm và có từ 3-10 cặp lá chét, mỗi lá chét có từ 6-10 cặp lá chét nhỏ dài 15-25mm và rộng 10-15mm. Hoa của chúng mọc ra tại cành hoa dài tới 20cm, mỗi hoa có 5 cánh màu vàng, da cam hay đỏ. Quả là loại quả đậu dài 6-12cm.
Phật tử quê dâng lòng thành từ nhánh hoa mộc mạc nhà trồng (là phượng cúng), từ nải chuối sau vườn… và ai cũng thiết tha với đạo tâm trong sáng.
Đi chùa cầu bình an! Thực ra đến chùa đã bình an vì bước qua tam quan nhà chùa là lòng người ít nhiều cởi bỏ tham-sân-si – ba món độc làm mình phiền và não.
Hôm nay đi chùa nên… bỏ qua, hôm nay ăn chay nên… nhịn! Người hung dữ, dễ thốt lên lời to tiếng lớn, dễ sân si với người khác mà khi đi chùa, ăn chay còn giữ được mình như thế, ít ra đã được một vài ngày trong tháng. Có còn hơn không!
Nhiều người hay có ý chê người đi chùa gì mà còn… (điền vào bao thói quen không lành); tôi không nghĩ vậy mà tư duy tích cực như vừa kể: may mà họ đi chùa nên “nhịn” tập khí không tốt một giờ, vài giờ trong ngày chay, ngày sóc vọng thì cũng là mừng rồi.
Mỗi lần về nhà (như về chùa) – nơi tôi ước nguyện mốt mai thành chốn tịnh thanh cho người hữu duyên tu đạo an lành – thấy có vài cây phượng cúng đơm bông, tự nghĩ, chắc hoa đang dâng cúng Phật và chư Thiên trong mười phương ghé thất, chứng minh cho thời kệ kinh hôm sớm của “thất chủ” – là má tôi. Nghĩ thế nên hoan hỷ mỉm cười, thấy hoa cũng như người, lòng đầy chân thành và an lành…
Lưu Đức Bình Minh
(GNO)