...

    Những cách thức tu tập để có được Trí tuệ

    Đạo Phật được mệnh danh là đạo Trí tuệ vì đạo Phật là con đường đưa đến giác ngộ. Có Trí tuệ mới giác ngộ được chân lý và sống đúng với chân lý ấy. Đó là nếp sống giải thoát an lạc bằng Trí tuệ. Muốn có được Trí tuệ thì phải làm gì?

    Đây là 3 cách thức để có được Trí tuệ:

    I/ Văn: Văn là học hỏi. Đây là sự bắt buộc đầu tiên vì không ai trên cuộc đời này không học hỏi mà có được Trí tuệ dù là thần đồng. Là người con Phật chúng ta nên học hỏi những gì? Chúng ta nên học đều 2 bộ môn:

    1/ Ngoại điển: Ngoại điển tức là tất cả môn học của thế gian để có được thế trí (sự hiểu biết của thế gian).

    2/ Nội điển: Nội điển tức là chánh pháp, những lời dạy của đức Phật được kết tập thành 3 tạng giáo điển Kinh – Luật – Luận. Không luận là người tu tại gia hay người xuất gia, tất cả đều phải học giáo lý, bởi vì chính giáo lý ấy tạo nên cách sống của người theo đạo Phật khác với người không theo đạo Phật. Học chánh pháp của Đức Phật là bước đầu để có được trí tuệ xuất thế. Trí tuệ xuất thế không phải có nghĩa đen là ra khỏi ngôi nhà thế gian như thông thường chúng ta đang lầm tưởng mà chỉ là cách sống, cách hành xử của người học Phật khác với cách sống, cách hành xử của người không theo Phật. Cách xử thế khác ấy là do lời dạy của Phật un đúc mà nên. Học đạo để hiểu đạo, học Phật để hiểu Phật. Nếu theo Phật mà không hiểu Phật thì đôi lúc bài báng Phật. Đạo Phật cũng là 1 Tôn giáo như những Tôn giáo khác trong đời này, nhưng đạo Phật là tôn giáo đặc biệt rất khác với những Tôn giáo khác vì đạo Phật là Tôn giáo không có Thượng đế mà chỉ có Duyên khởi, chỉ có Nhân quả Báo ứng. Cuộc sống an lạc giải thoát, Niết bàn của Phật giáo là kết quả có được do mỗi cá nhân học hỏi hành trì theo lời Phật dạy, tạo nhân mà đạt được chứ không do Phật ban cho. Muốn hiểu được sự khác nhau đó, muốn có sự sống khác nhau đó, thì chúng ta phải học hỏi chánh pháp.

    II/ Tư: Tư là tư duy. Học hỏi là thâu nhận kiến thức. Nhưng Phật giáo không bao giờ chấp nhận sự rập khuôn, sự tiếp thu tiêu cực, mà phải tư duy 1 cách độc lập không bị áp lực. Vì rập khuôn, tiếp thu tiêu cực, chấp nhận kiến thức dưới sự áp lực không phải là trí tuệ mà chỉ là nô lệ kiến thức như những con sáo biết nói dưới áp lực của ông chủ nuôi nó. Sự học hỏi trong Phật giáo đòi hỏi người học phải tư duy, gạn lọc những kiến thức mà mình học đọc, phải suy nghĩ thử điều mà mình học hỏi được có đúng không, có nên sống theo không. Thái độ của người học Phật là tiếp thu phải sáng tạo. Trong kinh Tăng Chi Bộ, quyển I chương 3, chính đức Phật đã dạy về thái độ học hỏi cần phải tư duy 1 cách độc lập như sau: “Này Kalama, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra là những lời ấy là bậc đạo sư của chính minh. Nhưng này Kalama, khi nào các ông suy nghĩ tự mình biết rõ điều ấy là đúng, điều ấy đưa đến an lạc hãy tin theo”.

    Chính tư duy 1 cách độc lập không bị áp lực nào ràng buộc và chi phối thì  trí tuệ sẽ phát sinh. Chính điều này tạo nên tính cách đặc biệt của Phật giáo. Vì thế tín đồ Phật giáo không bao giờ bị cuồng tín. Cuồng tín không phải là Trí tuệ mà là vô minh. Chính sự tư duy độc lập này tạo nên Trí tuệ và là cách tu thù thắng của Phật giáo, Tư duy tu tức là Thiền Định vậy.

    III/ Tu: Tu thức là thực hành những mình đã học hỏi đã tư duy 1 cách độc lập đã thấy đó là đúng đó Chân lý. Thực hành để có được sự thực chứng chân lý tức là tự thân tác chứng.

    Văn, Tư, Tu là 3 phương cách để có được Trí tuệ. Đây là con đường tắt để đi đến Giác ngộ vậy.

     Hòa Thượng Thích Như Phẩm 

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM