Sự phát triển của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo

Sự phát triển của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo
Từ Ấn Độ đến Hàn Quốc và Nhật Bản, tượng Phật giáo là một trong những hình thức phổ biến nhất của nghệ thuật cổ xưa ở châu Á. Điêu khắc đá, gỗ hoặc được làm bằng đồng mạ vàng, các tác phẩm điêu khắc Đức Phật thuyết giảng, thiền định, trầm tư đã là các đối tượng thờ phụng quan trọng của Phật giáo trong 2 thiên niên kỷ qua.
Chiêm ngưỡng một tác phẩm

Một cuộc triển lãm hiếm có ở Seoul về nguồn gốc của các bức tượng Phật và quá trình chuyển đổi trong hình tượng Phật giáo cùng với sự truyền bá của Phật giáo khắp châu Á trong thời gian 700 năm đang diễn ra.

Triển lãm, tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, mang đến những gì mà giám đốc điều hành của Bảo tàng Quốc gia Tokyo Zeniya Masami gọi trong lễ khai mạc là “một số lượng tượng Phật chưa từng có trong một viện bảo tàng” – 210 tác phẩm mượn từ 26 tổ chức tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Anh, Mỹ và Đức.

Điểm nổi bật của triển lãm là 2 trong số những tác phẩm điêu khắc Phật giáo rất sớm được tạo tác trong giai đoạn Ấn Độ cổ đại.

Ở giai đoạn đầu của Phật giáo, hình tượng của Đức Phật được coi là điều cấm kỵ. Trong khoảng 500 năm cho đến thế kỷ thứ nhất, các hình thức tượng Phật đã không có mặt. Thay vào đó, xá-lợi của Đức Phật là bảo vật thờ cúng.

Trong thế kỷ đầu tiên, các bức tượng mô tả hình ảnh của Đức Phật xuất hiện ở 2 nơi xa xôi – thành phố cổ Gandhara và Mathura ở Ấn Độ, cách xa sông Hằng, nơi mà dọc theo đó Đức Phật đã thuyết pháp.

Bức tượng đá xám tạo tác ở Gandhara miêu tả Đức Phật đang thuyết giảng với đặc điểm trên khuôn mặt phương tây và mái tóc gợn sóng – tính năng kết hợp của thế giới Hy Lạp và Phật giáo Ấn Độ. Đức Phật ngồi một cách bình thản với cả 2 tay siết chặt ở phía trước và 2 vai được áo choàng bao phủ.

Điều có vẻ trông giống như một con người Ấn Độ bản địa là bức tượng Phật vào thế kỷ thứ 2 đang mỉm cười từ Mathura. Tượng Phật điêu khắc trong đá màu nâu sáng được miêu tả với 1 cánh tay giơ lên như thể ngài đang chào mọi người, để lộ phần vai trần bên phải của mình.

“Điều phân biệt giữa 2 pho tượng là bức tượng Phật Gandhara trong trang phục dày trong khi pho tượng Mathura mặc quần áo nhẹ, thường để lộ ngực phải. Điều đó thể hiện rõ khí hậu và nền văn hóa khác nhau trong 2 khu vực”, Yang Hee-jeong, người phụ trách triển lãm cho biết. Hai nơi này cách xa nhau hơn 1.000 km.

Triển lãm tiếp tục theo dõi quá trình chuyển đổi của các bức tượng Phật cùng với sự truyền bá của Phật giáo trên khắp châu Á.

Phật giáo đến Tây Bắc Trung Quốc vào khoảng năm 25 qua con đường tơ lụa cổ xưa và tiếp tục truyền bá đến miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc qua tuyến đường biển cổ đại. Các pho tượng Phật trông xa lạ với nhiều tín hữu ban đầu của Trung Quốc vì được tạo tác vào giai đoạn đầu của Phật giáo ở Ấn Độ. Lúc này Phật được hiểu như là một trong những vị thần bất tử của Đạo gia hoặc một biểu tượng của sự bảo vệ những người đã chết ở thế giới bên kia.

Mất khoảng 200 năm trước khi hình tượng Phật giáo được công nhận là đối tượng thờ phụng ở Trung Quốc. Trong 300 năm tiếp sau đó, tượng Phật được làm ở Trung Quốc có cả các đặc tính của Ấn Độ và Trung Quốc.

Tượng Phật Di Lặc Trung Quốc thế kỷ thứ 5, Đức Phật tương lai, từ bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, là một phần quan trọng, cho thấy sự chuyển đổi từ phong cách Ấn Độ sang phong cách Trung Quốc thể hiện trong miêu tả các nếp nhăn trên quần áo.

Phật giáo đã đến Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 4 trong thời Tam Quốc. Quốc vương của Goryeo, Baekje và Silla chấp nhận Phật giáo là quốc giáo của họ, sử dụng Phật giáo để thống nhất gia tộc và hợp pháp hóa cũng như tăng cường quyền hạn của mình.

Phật giáo Hàn Quốc đã phát triển một phong cách độc đáo trong việc làm ra của tác phẩm điêu khắc Phật giáo. Hầu hết các bức tượng Phật giáo trước đây là các đối tượng độc lập, ở Hàn Quốc các tác phẩm điêu khắc được trực tiếp khắc vào đá tự nhiên bắt đầu xuất hiện.

Điểm nổi bật khác là bức tượng Bồ-tát trầm tư. Đây là bức tượng Phật giáo mang tính biểu tượng của Triều Tiên, mà sau này đã truyền cảm hứng cho Nhật Bản tạo tác tương tự.

Các tác phẩm điêu khắc Phật giáo Hàn Quốc thực hiện trong giai đoạn Baekje cũng truyền cảm hứng cho Nhật hoàng Kinmei mở các cuộc thảo luận về việc áp Phật giáo như là một quốc giáo. Nghệ nhân của Baekje đã đến Nhật Bản để giúp thiết lập chùa Asuka-dera và tượng Phật.

“Các bức tượng được thực hiện ở các nơi khác nhau là bằng chứng về giao lưu văn hóa giữa các nước tôn Phật giáo là một tôn giáo chung”, Yang nói.

Văn Công Hưng 
(Theo The Korean Herald)

admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *