Tam giải thoát môn
Cổng Tam Quan chùa Long Tuyền – TP. Hội An
An lạc giải thoát là đặc trưng cố hữu của đạo Phật. Chính đức Phật đã nói như thế này về giáo pháp của Ngài: “Như nước bốn biển chỉ có vị duy nhất là mặn, giáo pháp của ta cũng vậy chỉ có duy nhất là vị giải thoát”. Như thế người theo đạo Phật chỉ nên tìm cầu giải thoát chứ không nên tìm cầu những gì khác. Nếu như người nào đó tìm cầu những thứ khác trong giáo pháp đức Phật thì người đó sẽ bị thất vọng vì giáo pháp đức Phật không đáp ứng được tham vọng của người đó. Tam giải thoát môn là 3 cánh cửa giải thoát. Muốn vào được cánh cửa này thì con người phải đi theo con đường nào ? Bài viết này giới thiệu 3 cánh cửa giải thoát để cho những ai muốn vào.
Tam giải thoát môn là ba cánh cửa giải thoát: không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô tác giải thoát môn.
1/ Không giải thoát môn: Không nói cho đủ là Không tánh, Không tánh là thật tánh của các pháp, đây chính là tánh duyên khởi của các pháp. Tất cả các pháp do duyên khởi mà hiện hữu. Đức Phật đã nói rất rõ và xác quyết rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, thấy pháp là thấy ta. Và Ta có ra đời hay không thì pháp duyên khởi vẫn thế. “Muốn có được Không giải thoát môn thì hành giả phải quán duyên khởi. Nhân tu quán duyên khởi sẽ có được quả là không giải thoát môn.
2/ Vô tướng giải thoát môn: Vô tướng nghĩa là vô định tướng, không có tướng cố định. Các pháp do duyên khởi mà hiện hữu nên không có tướng cố định mãi mãi, chúng luôn luôn biến đổi, luôn luôn thay đổi, thay đổi trong từng sát-na một, thay đổi trong từng chu kỳ một. Muốn có được vô tướng giải thoát môn thì phải quán vô thường. Nhân tu quán vô thường thì có được quả vô tướng giải thoát môn.
3/ Vô tác giải thoát môn: Vô tác là không ham muốn đèo bòng tạo tác ác nghiệp. Vạn hữu do duyên khởi mà có nên luôn luôn vô thường biến đổi. Không biết điều ấy mà ham muốn đèo bòng tạo tác ác nghiệp, đã tạo tác ác nghiệp thì nhất định phải chịu quả báo khổ. Hành giả thấy rõ vạn hữu do duyên khởi mà hiện hữu, vô thường biến đổi luôn luôn nên không ham muốn đèo bòng, không tạo tác ác nghiệp nên không có quả báo khổ. Đó là vô tác giải thoát môn, Giải thoát môn này do tu quán khổ mà đạt được.
Như vậy muốn vào được 3 cửa giải thoát: không, vô tướng, vô tác, thì hành giả phải tu 3 pháp quán: quán duyên khởi để vào cửa giải thoát không, quán vô thường để vào cửa giải thoát vô tướng, quán khổ để vào cửa vô tác.
Sự giải thoát của Phật giáo không do sự mặc khải của 1 vị thần linh nào mà do sự cố gắng nổ lực hành trì tu tập giáo pháp của hành giả theo nhân và quả. Nói một cách cụ thể hơn: hễ tu nhân thiện nào thì có kết quả của nhân thiện ấy. Muốn có quả giải thoát thì phải tu nhân giải thoát. Chính đức Phật nói: “Lại đây ta chỉ cho thấy chứ không phải lại đây ta ban cho”.
Hành giả nào vào được 3 cửa giải thoát môn: không vô tướng vô tác thì hành giả ấy có được hiện tại lạc trú nghĩa là sống an lạc ngay trong hiện tại.
Cửa chùa, cổng tam quan có 3 cánh, là biểu trưng cho tam giải thoát môn: không – vô tướng – vô tác, luôn luôn mở rộng để ai muốn bước vào.
Hòa thượng Thích Như Phẩm