...

    Tản mạn về địa ngục, thiên đàng

    thiendang.jpg

     Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu?
    Nguyễn Du

    Con người ai cũng có ước mơ. Kẻ thì mơ cảnh giàu sang, người thì mơ được thông minh, xinh đẹp, người khác lại mơ được nổi tiếng… Cứ 100 người thì có lẽ đã có đến 101 ước mơ! Hễ đời sống thực tế càng bế tắc thì con người lại càng ước mơ nhiều, để bù đắp vào những cái còn thiếu trong cuộc sống. Cũng như khi đời sống nội tâm càng nghèo nàn thì người ta càng hướng về ngoại vật.

    Nhưng có lẽ ước mơ muôn thuở của tất cả loài người – kể từ thời nguyên thủy cho đến thời hiện đại, và còn kéo dài mãi đến khi vào con người còn tồn tại – là được đến một cõi bình yên sau khi chết. Cõi đó được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: thiên đàng, thiên giới, nước của Chúa, Tây phương Cực lạc, Niết-bàn, Bồng lai tiên cảnh, cõi vĩnh hằng v.v…. Nhưng dù có được gọi bất kỳ danh xưng nào đi nữa thì chúng cũng đều chỉ chung cho một cõi bình yên vĩnh cửu và lạc phúc vô biên mà con người muốn hướng đến, sau khi lìa bỏ cái cõi thế phù du đầy biến động này.

    Tôn giáo nào cũng xây dựng nên cõi vĩnh hằng đó để làm chỗ an trú đời đời cho tín đồ sau khi chết. Và muôn triệu tín đồ khắp nơi đều lo toan tìm mọi cách xin cho được “visa” để nhập cư vào chốn đó.

    Cõi chết vẫn mãi mãi là một điều vô cùng bí ẩn đối với con người. Đó là một vùng đất huyền bí mà sau khi đặt chân đến đó thì ta không còn đường quay về lại với trần gian. Cho nên nếu con người lý giải được bản chất của cái chết thì có lẽ tôn giáo không còn lý do để tồn tại nữa. Người ta làm việc thiện, dốc lòng tin tưởng thánh thần, xây đền tạc tượng, thậm chí bỏ cả tiền bạc ra để hối lộ thần linh – cả một cảnh tượng huyên náo đang diễn ra ầm ĩ nơi trần thế cả hàng ngàn năm qua – cũng chỉ để tìm cách chen nhau vào chốn được hình dung là cõi tĩnh lặng muôn đời kia. Ngay cả Phật giáo là một tôn giáo chủ trương chối bỏ thần linh, khước từ thế giới của chư thần, chỉ dùng trí tuệ quán chiếu vào bản chất như thực của cuộc sống để đạt đến trạng thái giải thoát; vậy mà trải qua mấy ngàn năm truyền giáo, vô số chư vị Bồ-tát quảng đại thần thông cùng chư thần lần lượt được sản sinh ra – do cuộc hôn phối với các tín ngưỡng bình dân bản địa – và xuất hiện khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới để đáp ứng lại tín ngưỡng bình dân đó của đại chúng.

    Ta có thể gọi đó là mê tín, nhưng chính cảnh tượng đó đã khiến cho trần gian thêm hương sắc. Nếu hoạt động tôn giáo chỉ gói gọn trong việc tĩnh tọa nơi thâm sơn cùng cốc, trong các thảo am u tịch, hay các cuộc vấn đáp tại các thiền đường để thể nghiệm và hội nhập chân lý, hoặc ngồi cầu nguyện trong cô tịch để nhận được thiên khải từ Thượng đế v.v… thì những ngày đại lễ như Phật đản hay Noel nơi trần gian ắt sẽ tẻ nhạt lắm. Có lẽ nó chỉ còn lại phần “lễ” trang nghiêm nặng nề nghi thức, mà thiếu đi sự nhộn nhịp xôn xao của phần “hội”. Mà chính phần “hội” mới thường giúp con người hăng say trong các hoạt động tôn giáo.

    Ước mơ được lên thiên đàng là ước mơ hoàn toàn chính đáng của loài người. Nhưng chúng ta hãy thử tự hỏi những tín đồ thuần thành, dốc lòng sùng đạo đó, những người được cho là đã “siêu thăng” hay “giải thoát” đó sẽ làm gì sau khi được vào cõi được gọi là thiên đàng hay Tây phương cực lạc? Còn những tín đồ đã chết và đang chờ Ngày phán xét cuối cùng trong hàng ngàn năm qua hiện đang làm gì và sống nơi đâu, trong vũ trụ?

    Được sống đời đời với cuộc sống tràn đầy lạc phúc nơi cõi đó, không còn lo chuyện áo cơm, không còn buồn sầu phiền não, ngày ngày được chiêm ngưỡng Thượng đế trong ánh hào quang rực rỡ với niềm kính sợ, được nghe thiên thần ca hát hoặc nhìn tiên nữ lượn múa trong những khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo, hoặc được sống trong các tòa lâu các làm bằng thất bảo như kinh điển mô tả v.v… ngày nào cũng trôi qua như ngày nấy cho đến vô tận, không còn đến khái niệm thời gian; đó có thực sự là cảnh giới đầy lạc phúc?

    Theo các chuyên gia dân số học Liên Hiệp Quốc dự đoán thì dân số thế giới đến năm 2100 sẽ vào khoảng 11 tỷ người. Giả sử đó là năm tận thế (nhiều người tin vậy!), và cứ cho rằng số người đã từng mất đi trong quá khứ – từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa cho đến thời điểm đó – cũng bằng ngần ấy, thì đến Ngày phán xét cuối cùng sẽ có khoảng 22 tỷ người chờ được phán xét. Nếu đấng tối cao định công luận tội của mỗi người trong thời gian chỉ một giây thôi thì Ngài cũng phải mất gần 700 năm (mỗi năm có 31,536,000 giây!). Tôi thường suy luận vớ vẩn như thế nên chẳng quan tâm chi đến cái ngày mà bao người lo sợ và cái cõi mà bao người mơ ước đó.

    Thiên đàng của hầu hết các tôn giáo phải chăng chỉ là cảnh giới lý tưởng để tín đồ ước mong tìm được ở nơi đó những gì mà họ thấy thiếu nơi trần thế? Chẳng hạn thiên đàng trong trí tưởng của người Á Rập là nơi luôn có những dòng suối mát, do họ phải sống trong sa mạc khô cằn; thiên đàng của các chiến binh Hồi giáo luôn có các cô nàng tiên nữ xinh đẹp phục vụ vì đời sống tình dục của họ quá mạnh.

    Đọc kinh Koran, ta thấy yếu tố tình dục nổi bật lên. Nguyện thứ 19 trong Ðại phẩm Bát-nhã có câu: “Nguyện nhân dân trong quốc độ của ta không có cái nạn đại tiện, tiểu tiện” suy cho cùng chỉ là mong ước muốn đưa điều kiện vệ sinh đạt đến một trạng thái thật hoàn hảo, vì điều kiện vệ sinh cả người dân Ấn quá tồi tệ, ngay cả hiện nay. Hoặc đại nguyện “mong muốn tất cả người dân trong quốc độ có chung một sắc da vàng” thực ra chỉ là ước mơ về một xã hội bình đẳng, xóa bỏ tệ nạn kỳ thị màu da, chủng tộc hiện vẫn còn tràn lan trên thế giới.

    Những đêm đi chơi khuya về, mở cửa, nhà tối om; bật cầu dao điện lên, cả nhà rực sáng, tôi luôn nghĩ đến câu “Hãy có sự sáng, bèn có sự sáng” trong Kinh Thánh. Ánh sáng đó đâu phải tự nhiên mà có, nó là sự kết tinh trí tuệ của nhân loại qua hàng chục ngàn năm. Đó không phải là điều nhiệm mầu sao? Mở vòi nước rửa mặt, dòng nước mát chảy ra, nước đó đâu phải tự nhiên mà có sẵn, nó được dẫn về từ những con sông cách ta hàng chục cây số, cũng bằng trí tuệ và lao động của con người; tôi nghĩ nó chính là “sự sống đời đời”. Đối với những người sống trong sa mạc thì điều đó càng đúng hơn nữa. Sao ta lại cứ lo đi tìm thiên đàng ở tận đẩu tận đâu?

    Tôi có những người bạn sống rất mẫu mực, đạo đức và là những tín đồ tôn giáo thuần thành. Ai cũng tin chắc mình sẽ được lên thiên đàng và được cận kề Thượng đế sau khi chết. Tất cả những gì họ làm đều như là chuyện “đầu tư” cho hậu kiếp. Nhưng có một điều lạ là ai cũng sợ chết sớm. Âu đó cũng là chuyện thường tình của con người. Nhưng tôi lại suy nghĩ: ví dụ có một kẻ đang yêu say đắm, nếu anh ta hẹn gặp với người yêu thì chắc chắn anh ta đã lo đến điểm hẹn sớm trước giờ hẹn, vì trong lòng anh ta khát khao được gặp người mà anh mơ ước. Nếu những người bạn của tôi tin chắc rằng mình sẽ gặp được Thượng đế, và khát khao được gặp Thượng đế, vậy thì tại sao họ vẫn sợ chết, vẫn muốn kéo dài cái cuộc sống được xem là xấu xa và tạm bợ trên thế gian này? Có phải lòng yêu Thượng đế của họ vẫn chưa mạnh bằng tình yêu của kẻ si tình dành cho cô gái? Đôi lúc vui đùa, tôi chia sẻ ý nghĩ đó với họ, ai cũng nhăn mặt và cho tôi là kẻ “ngoại đạo”!

    Tồn tại song song với cái thiên đàng kia là cảnh tượng địa ngục, cho đầy đủ cặp song đôi “thưởng thiện phạt ác” theo lệ thường của nhân loại. Và mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa lại có những quan niệm khác nhau về các loại địa ngục.

    Với dân tộc Hy Lạp thì người đưa đò xuống địa ngục là Charon, Việt Nam ta thì có cầu Nại Hà, quán Cháo Lú, rồi địa ngục trong trí tưởng người Ai Cập, Ba Tư cổ đại lại càng khác nữa. Địa ngục trong quan niệm phương Đông là nơi đọa đày những người có tội trên dương thế, còn địa ngục trong quan niệm của một số tôn giáo lại là nơi đọa đày những kẻ vô thần hoặc không có cùng tín ngưỡng.

    dianguc 1.jpg
    Địa ngục được mô tả là nơi người tạo nghiệp xấu ác bị sanh vào để chịu khổ sở 

    Địa ngục nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học phương Tây có lẽ là địa ngục được miêu tả trong kiệt tác Thần khúc(La divina commedia) của Dante, thi hào nước Ý. Trong địa ngục đó – chính xác hơn thì đó là hỏa ngục – ta gặp nhiều nhân vật cổ kim trứ danh ở phương Tây, từ những kẻ tham nhũng, những tu sĩ dâm ô, hư hỏng, các quan chức địa phương trụy lạc v.v… Ta gặp cả hoàng tử Paris, nàng Helen, dũng sĩ Ulysses v.v… trong cuộc chiến của thành Troy huyền thoại. Lại có những người chưa được rửa tội và những người vô thần nhưng có đức hạnh, tức những người không phạm tội lỗi gì, nhưng không nhìn nhận Đức Jesus là Chúa của mình. Rồi ta lại gặp các nhà thơ vĩ đại phương Tây như Homer, Horace, Ovid, Marcus Annaeus Lucanus và các nhà triết học Socrates, Aristotle v.v…

    Nói chung thì địa ngục của Dante gồm toàn những nhân vật mà Diêm vương trong Tây du ký có tra nát hàng triệu cuốn tử bạ cũng chẳng biết là ai!

    Còn lạ lùng hơn nữa là vẫn có những người tin chắc rằng có hỏa ngục tồn tại trong lòng đất, đó là nơi ngọn lửa trừng phạt sẽ thiêu cháy đời đời những ai không tin vào chân lý được rao giảng trên giàn hỏa thiêu và những thanh gươm. Những cảnh tra tấn man rợ trên dương thế đều được đưa vào nơi địa ngục và cường điệu thêm lên để răn đe. Làm như trần gian này với những cảnh tượng tàn bạo trong chiến tranh, trong nhà tù cả mấy ngàn năm qua vẫn chưa đủ là địa ngục!

    Không có định nghĩa vào về địa ngục sâu sắc cho bằng câu nói của văn hào Dostoievski: “Địa ngục là tâm hồn của những kẻ không còn biết đến yêu thương”. Nhưng chính những kẻ “không còn biết đến yêu thương” đó thường tự khoác cho mình cái sứ mệnh “giải phóng nhân loại”, hồn nhiên tàn sát tất cả những người đồng loại không cùng lý tưởng hay đức tin, đem tang tóc, bạo lực bao trùm lên cõi thế chỉ để kiến tạo thiên đàng!

    Những cảnh tượng máu lửa, chết chóc vẫn cứ mãi tràn lan trên toàn thế giới. Hàng ngày biết bao thảm cảnh vẫn cứ diễn ra ở khắp mọi nơi, vì tham dục, vì óc cuồng tín man rợ. Sở dĩ trần gian biến thành địa ngục vì con người cứ lo chạy đi tìm thiên đàng nơi cõi nào hư ảo, mà không đủ tâm lực để nhận ra nó chính là thiên đàng, chính là Niết-bàn, là nước của Chúa.

    Nếu con người hiểu được rằng cõi trần đầy những ngọt bùi cay đắng này là thiên đàng duy nhất, để từ đó đem hết tâm lực kiến tạo nó, thì có lẽ trần gian đã biến thành một thiên đàng thực sự rồi. Địa ngục hay thiên đàng chỉ là hai mặt của chính cõi trần gian này. Địa ngục cũng nó. Thiên đàng cũng nó. Nào có đâu xa!

    Huỳnh Ngọc Chiến

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM