(QCB) – Trong bài tập “Thở vào, tôi mỉm cười,” bạn có thể hỏi, tại sao tôi phải mỉm cười, khi mà tôi không có một niềm vui nào?
Câu trả lời là: Mỉm cười là một sự thực tập. Có hơn ba trăm bắp thịt trên khuôn mặt bạn. Khi bạn nổi giận hay sợ hãi, các bắp thịt ấy đều căng thẳng. Sự căng thẳng các bắp thịt này tạo nên một cảm giác cứng nhắc. Tuy nhiên, nếu bạn biết thở vào và mỉm được một nụ cười thì sự căng thẳng sẽ biến mất, đó là điều mà tôi gọi là tập Yoga bằng miệng. Hãy thực tập mỉm cười. Bạn chỉ việc thở vào và mỉm cười, sự căng thẳng sẽ biến mất và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Có những lúc niềm vui tạo ra một nụ cười. Cũng có những lúc nụ cười do bạn tạo ra đem lại thoải mái, bình an và niềm vui. Tôi không đợi đến lúc có niềm vui mới mỉm cười; niềm vui sẽ đến sau. Ðôi khi ngồi một mình trong phòng tối, tôi thực tập mỉm cười với chính tôi. Tôi làm như vậy để tự đối xử tốt với mình, để tự chăm sóc mình, để tự thương yêu mình. Tôi biết rằng nếu tôi không tự chăm sóc được tôi thì tôi còn chăm sóc được ai nữa.
Có lòng từ bi đối với bản thân là một thực tập quan trọng. Khi bạn mỏi mệt, cáu giận hay tuyệt vọng, bạn nên trở về với chính bạn để chăm sóc sự mỏi mệt, cơn nóng giận, và niềm tuyệt vọng của mình. Ðó là lý do tại sao ta thực tập mỉm cười, bước đi, thở và ăn trong chánh niệm.
Trích “Sống tự do bất cứ nơi nào ở đâu” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(PTVN)