...

    Tượng Phật trong dòng chảy văn hoá

    Di sản văn hóa Phật giáo đâu phải chỉ thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, mà còn là chứng tích phản ảnh quá trình phát triển của xã hội, theo dòng chảy lịch sử. Và lịch sử đã minh chứng rằng, bất cứ khi nào nền văn hóa dân tộc bị nhạt phai thì cũng đồng nghĩa với việc thế nước suy yếu, nạn ngoại xâm lại cận kề.

    Mỗi thời đại thịnh trị đã để lại những di sản Phật giáo rực rỡ, các nhà khảo cổ học gọi đó là những tầng văn hóa. Văn hóa Phật giáo bao gồm 6 tầng rõ rệt:

    – Văn hóa thời Bắc thuộc (thế kỷ VII-IX)

    – Văn hóa thời Đinh-Lê (nửa cuối thế kỷ X)

    – Văn hóa thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV)

    – Văn hóa thời Lê (thế kỷ XV-XVIII)

    – Văn hóa thời Nguyễn (thế kỷ XI-nửa đầu thế kỷ XX)

    – Văn hóa đương đại (từ năm 1945 trở đi)

    Xen giữa những tầng văn hóa là thời ký khủng hoảng văn hóa: Loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ X); Lê ngọa triều (đầu thế kỷ XI); giặc Minh xâm lược (đầu thế kỷ XV); giặc Thanh xâm lược (1788); thực dân Pháp xâm lược (1858)…Di sản Phật giáo thuộc niên đại những thời ký này rất hiếm hoi, các nhà khảo cổ học gọi là “mảng tối văn hóa”, hay “đứt gãy văn hóa”.

    Triều đại này nối tiếp triều đại khác như lớp lớp sóng xô, giữa những thời thịnh trị là những khoảnh khắc văn hóa bị tàn phá bởi chiến tranh. Giặc ngoại xâm cứ tràn vào được là đốt phá. Đó chính là nguyên nhân khiến cho di sản vật thể Phật giáo của các thời đại xưa không bảo tồn được nguyên vẹn cho tới ngày nay. Số lượng di vật cổ xưa còn sót lại tới ngày nay chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé so với số lượng thực tế chúng đã từng có mặt.

    Niên đại thời Đinh-Lê trở về trước, hiện không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào ở miền Bắc. Có thể thời đó, người xưa chưa dựng tượng Phật chăng? Hay vì những nguyên nhân nào khác?

    Tượng Phật niên đại thời Lý cũng vô cùng hiếm hoi. Chỉ tìm thấy một số pho tượng bằng đá, và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại (1057), nhưng đầu và đài sen là sản phẩm của thế kỷ XVII, XVIII. Pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp cùng niên đại cũng ở chùa này đã mất đầu và chân, hiện được bảo tồn tại Viện Bảo tàng Lịch sử. Chùa Duyên Ứng (Long Đọi-Hà Nam) còn pho tượng Kim Cương bằng đá thời Lý cao 1m57; chùa Huỳnh Cung (Hà Nội) có pho tượng A Di Đà bằng đá thời Lý, cả hai pho tượng quý giá này đều đã mất đầu. Tượng thời Lý còn đầy đủ bộ phận hơn cả là hai pho bằng đá ở chùa Ngô Xá (Nam Định) và chùa La Khê (Hà Tây), chỉ bị vỡ một phần đài sen.

    Văn hóa Phật giáo phát triển suốt hai triều đại Lý-Trần (kéo dài hơn 400 năm), thế nhưng tượng Phật thời Lý còn lại tới ngày nay rất hiếm hoi, tượng Phật thời Trần lại càng bặt tăm. Ngày nay không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào của thời Trần, riêng thế giới bệ tượng để lại thì vô cùng phong phú. Chùa Thầy (Hà Tây) còn một bệ gỗ niên đại 1498, nhưng tượng không còn. Trong những ngôi chùa cổ ở suốt dọc sông Đáy còn sót lại rất nhiều hương án đã có niên đại cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV (chùa Hương Trai, chùa Cát Quế, chùa Viên Am, chùa Viên Nội, chùa Thanh Sam, chùa Bối Khê…). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những bệ ngồi của tượng, vì ở phía sau không còn chỗ nào để đặt tượng. Hoặc giả thời Trần, dân ta thờ Phật bằng tranh chăng?

    Tìm nguyên nhân của sự vắng bóng tượng Phật thời Trần, cũng như sự hiếm hoi của tượng Phât thời Lý, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều lý giải khác nhau:

    – Do tượng Phật thời Lý-Trần chủ yếu làm từ gỗ, đất nên không bền vững, đã bị phá hủy bởi thời gian, nạn xâm thực của mối mọt, thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm nắng dãi, khí hậu nóng ẩm…

    – Do người xưa chưa ý thứcđược tầm quan trọng và chưa quan tâm bảo vệ di sản . Họ chỉ nghĩ đơn giản: những thứ cũ nát thì bỏ đi, thay bằng đồ mới. Nên việc phá bỏ tượng cũ, thay bằng tượng mới cũng không lấy gì làm lạ.

    – Do triều đại sau vì muốn xóa bỏ ảnh hưởng, dấu tích của triều đại trước, xua đuổi tư tưởng hồi cố ra khỏi quần chúng để củng cố nền thống trị mới, nên những di sản Phật giáo cũng theo đó mà lâm nạn.

    – Do giặc ngoại xâm tàn phá, đặc biệt giặc Minh và chính sách đồng hóa của chúng.

    Tượng Phật thuộc niên đại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV bặt vô âm tín, nhưng sang thế kỷ XVI trở đi thì vô cùng đa dạng về chất liệu (đá, gỗ, đất, sứ..) lẫn nghệ thuật tạo hình. Riêng niên đại thế kỷ XVI đã khá phong phú, tượng Phật chủ yếu được tạc từ gỗ. Ta gặp những bộ Tam thế Phật ở chùa Thầy (Hà Tây); chùa Trà Phương (Hải Phòng); chùa Ninh Hiệp (Hà Nội). Thế kỷ XVI cũng bắt đầu xuất hiện tượng Quan Âm Nam Hải (Thiên thủ thiên nhãn) hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên (Hà Nội); chùa Nga My (Hà Nội); chùa Thương Trưng; chùa Hội Hạ (Vĩnh Phú); chùa Động Ngộ (Hải Dương). Chùa La Khê (Hà Tây) có tượng Phật Thích Ca tọa thiền; chùa Phổ Minh (Nam Định) có tượng Quan Âm cứu độ. Tứ Pháp trong bốn ngôi chùa cổ: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cũng đều là những pho tượng đã được xác định niên đại thế kỷ XVI.

    Từ thế kỷ XVII trở đi , và mặc dù sau đó đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng thế giới tượng Phật vẫn ngày càng trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía.

    Chu Minh Khôi

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM