Văn hóa Phật giáo Tây Tạng đến Texas

Văn hóa Phật giáo Tây Tạng đến Texas
Tin từ The Buddhist Door vừa cho hay, các nhà sư Tây Tạng, thuộc tu viện Drepung Loseling miền nam Ấn Độ đã quay trở lại Houston, Texas (Hoa Kỳ) giữa tháng 8 qua để chủ trì chương trình Nghệ thuật Tây Tạng huyền bí tại trụ sở Hội châu Á Trung tâm Texas.
Cộng đồng đã có dịp chứng kiến đa dạng các hình thức sinh hoạt tâm linh làm nên văn hóa Phật giáo Tây Tạng hàng trăm năm qua.
Văn hóa Tây Tạng được các vị Lạt-ma Tây Tạng mang đến Texas

Theo đó, trong chương trình biểu diễn văn hóa kéo dài 5 ngày, tranh cát mandala được chọn làm phần biểu diễn khai mạc ấn tượng. Các nhà sư đã mất hơn 5 ngày để rót hàng triệu viên cát màu nhỏ li ti từ các phễu kim loại để hoàn thành các bức mandala.

Nhà sư Geshe Tenzin Phentsok, người tham gia chế tác bức tranh cho biết mandala biểu trưng cho con đường đi đến sự giác ngộ.

“Không có những con đường chỉ dẫn, chúng ta sẽ lúng túng, không biết đi đâu. Vì thế, mandala chính là các con đường chỉ dẫn ấy, con đường đi đến sự giác ngộ – nơi biểu trưng cho tất cả những phẩm chất của sự giác ngộ. Đó là lý do vì sao chúng tôi tạo ra các bức mandala với từng màu sắc, kết cấu, thiết kế và cấu trúc đều mang một ý nghĩa nhất định – thầy Geshe Tenzin Phentsok nói với Houston Public Media.

Trong chương trình, các nhà sư còn biểu diễn các điệu nhảy được tiến hành trong các lễ hội văn hóa tâm linh tại Tây Tạng.

Tiếp đến là việc hủy bức mandala bằng cách vun một nét cọ qua trung tâm bức mandala, minh họa cho sự vô thường của cuộc đời và vạn pháp do nhân duyên hợp thành – thông điệp về sự vô thường trong cuộc đời mà các nhà sư lồng ghép và gửi đến người xem.

Ngoài ra, công chúng được mời cùng trang trí một lá cờ cầu nguyện lungta, được Phật tử Tây Tạng sử dụng để gửi đi những điều phúc thiện theo gió. Các nhà sư cũng tiến hành tụng kinh zokkay và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống Tây Tạng.

“Chúng ta đang tìm kiếm chính bản thân mình trong thời đại có vô vàn sự đa dạng. Mọi người có nhiều điều chưa hiểu rõ và chúng tôi nghĩ tạo ra sự hiểu biết giữa châu Á và phương Tây hiện giờ là quan trọng hơn bao giờ hết.

Đây chính là cách chúng ta hiểu biết hơn về những người ‘bạn láng giềng’ một cách gần gũi hơn, sâu sắc hơn; hiểu biết nhiều lập trường, cách nhìn trên thế giới và đưa nguồn năng lượng tích cực trở lại cộng đồng để thấy rằng chúng ta có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt” – chia sẻ của Stephanie Todd Wong, giám đốc văn hóa và nghệ thuật, Hội châu Á Texas với Houston Chronicle.

Hội châu Á Texas là tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi Đệ nhất phu nhân Barbara Bush và cựu đại sứ Roy M. Huffington năm 1979. Sứ mệnh của tổ chức này được ghi rõ như sau: Với 13 địa điểm trên thế giới, Hội châu Á là tổ chức giáo dục hàng đầu thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, lãnh đạo, các viện của châu Á và phương Tây.

Hội thực hiện sứ mệnh toàn cầu lấy địa phương làm trung tâm, làm giàu và dấn thân vào sự đa dạng sắc màu của Houston thông qua các chương trình đổi mới có liên quan trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thương mại và chính sách, giáo dục và các hoạt động cộng đồng.

Trần Trọng Hiếu (GNO)

admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *