Lễ hội là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Có hàng nghìn lễ hội mỗi năm được tổ chức ở Việt Nam với quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Lễ hội Vu lan từ lâu đã trở thành lễ hội văn hóa Phật giáo và của dân tộc Việt Nam. Theo nghiên cứu của tác giả Chúc Phú, lễ hội Vu lan đã tồn tại khoảng 1.500 năm tại Trung Quốc.2 Do đó, lễ hội Vu lan được tổ chức tại Việt Nam sớm nhất cũng vào thời gian trên bởi lễ hội này có nguồn gốc từ Trung Quốc và chưa có tư liệu nào chứng tỏ nó ra đời độc lập tại Việt Nam.
Lễ hội Vu lan được nhiều người ngày nay biết đến thông qua hai bản kinh Vu lan và Báo hiếu công ơn cha mẹ. Nội dung hai bản kinh nói về đạo hiếu và đưa ra phương pháp báo hiếu theo Phật giáo Bắc tông. Bản kinh Vu lan nêu câu chuyện mẹ của Tôn giả Mục-kiền-liên là bà Thanh Đề tạo tội ác nên đọa làm ngạ quỷ đói khát. Tôn giả Mục-kiền-liên được miêu tả có lòng hiếu thảo rất lớn nên khi chứng Thánh quả liền vận thần thông tìm mẹ để biết mẹ đã tái sinh nơi đâu. Khi biết mẹ bị đọa làm ngạ quỷ, Tôn giả tìm cách cứu mẹ và được Đức Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ là cúng dường chư Tăng gồm các loại thức ăn và nhu yếu phẩm như thuốc men, giường nằm… vào dịp rằm tháng Bảy khi chư Tăng tiến hành lễ Tự tứ kết thúc mùa an cư theo truyền thống Bắc tông. Nhờ công đức tu tập và sức chú nguyện của chư Tăng, mẹ Tôn giả cùng các chúng sinh khác đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói. Pháp cứu tế được dạy trong bản kinh không chỉ cứu độ cha mẹ, người thân đã qua đời được sinh về cảnh an lành mà còn giúp cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc còn sống được trường thọ, khỏe mạnh. Từ lễ hội trong Phật giáo, lễ Vu lan đã lan tỏa rộng ra trong xã hội và trở thành lễ hội quần chúng.
Lễ hội Vu lan trở thành lễ hội của người Việt
Có thể nói rằng đạo hiếu là đạo đức của người phương Đông. Ở Việt Nam, đạo hiếu chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo bởi hai nguồn tư tưởng này chi phối đời sống tinh thần người Việt trong nhiều thế kỷ. Từ đó, hiếu trở thành nền tảng quan trọng để đánh giá con người có đạo đức ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nho giáo nhấn mạnh hiếu là giữ hình hài thân thể do cha mẹ sinh ra mà không được thay đổi như cạo bỏ râu tóc, làm thẩm mỹ chỉnh sửa thân thể…; là lo lập thân có danh với thiên hạ cho đời kính nể; là phụng dưỡng cha mẹ với thái độ vui vẻ; là lo tang lễ hết mực thương xót; là cúng tế phải trang nghiêm (“Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã; lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế… Hiếu tử chi sự thân dã, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ nhạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”)3. Trong các điều hiếu của Nho giáo, chỉ có phần phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống là phù hợp và được ứng dụng trong cộng đồng người phương Đông.
Về phần hiếu khi cha mẹ qua đời, Nho giáo nhấn mạnh đến sự đau thương khóc lóc, cúng tế mà không đề cập đến sự siêu thoát, ngoại trừ mặc định là “linh hồn” người chết sẽ đến nơi cư trú của tổ tiên là huỳnh tuyền hay suối vàng. Phật giáo thì đề cập hiếu cả về vật chất lẫn tinh thần, khi còn sống cũng như khi qua đời. Khi còn sống thì người con phụng dưỡng, hướng cha mẹ biết đạo để làm các điều thiện. Khi cha mẹ qua đời thì người con làm phước bằng cách bố thí, cúng dường để hồi hướng phước báu cầu siêu cho cha mẹ.
Quan niệm hiếu thảo với ông bà tổ tiên qua hình thức cúng tế để được gia hộ cộng với tấm lòng mong muốn tổ tiên ông bà cha mẹ qua đời được siêu thoát nên người tín đồ Phật giáo thực hiện nghi lễ cúng tế và cúng dường theo Phật giáo. Có lẽ chính pháp cứu tế theo kinh Vu lan phù hợp với tâm tư nguyện vọng của quần chúng người Việt và cũng dễ thực hiện theo phương cách cúng dường nên lễ hội Vu lan của Phật giáo trở thành lễ hội của người Việt. Hơn nữa, ai cũng có ông bà tổ tiên, ai cũng có nhu cầu thể hiện lòng hiếu qua hình thức cúng tế cầu nguyện, nhất là cho những người thân, cho nên lễ Vu lan được tiếp nhận một cách tự nhiên và trở thành lễ hội tâm linh của đa số người Việt.
Xây dựng đời sống tôn giáo trong cộng đồng Phật tử Việt
Xây dựng đời sống tôn giáo trong cộng đồng tín đồ Phật giáo người Việt là nét đẹp văn hóa cộng đồng. Đối với các tôn giáo nhất thần, do tính phục tùng nên tín đồ thể hiện đời sống tôn giáo rất rõ rệt như đi lễ hàng tuần. Đối với Phật giáo Nguyên thủy, hình thức cúng dường cho chư Tăng khất thực mỗi buổi sáng là nét đẹp văn hóa Phật giáo. Đối với Phật giáo Bắc truyền, đời sống tôn giáo của người tín đồ do chưa được chú trọng nên chưa tạo được nét đẹp văn hóa cộng đồng Phật tử. Một năm vào dịp Tết và rằm tháng Bảy, tín đồ đi lễ chùa đông và tạo nên văn hóa đi chùa nhưng chỉ 2 lần thì quá ít. Các dịp rằm, mồng một hàng tháng, tín đồ Phật giáo không sinh hoạt đồng bộ nên chưa tạo được nét đẹp văn hóa cộng đồng Phật giáo.
Có nhiều nguyên nhân làm cho phần lớn tín đồ Phật giáo Bắc truyền chưa có đời sống tôn giáo thường xuyên. Những nguyên nhân có thể là do tư tưởng “Phật tại tâm” nên ở đâu tu cũng được, do hiểu sai câu “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, do có thành kiến hay không tin hàng Tăng bảo nên không đến chùa sinh hoạt, do tín đồ chưa nhận thức giá trị đời sống tâm linh khi sinh hoạt cộng đồng tại chùa, do tín đồ chỉ có nhu cầu giới hạn ở nơi tín ngưỡng lễ bái mà không quan tâm đến giáo pháp của Đức Phật, và do Phật giáo Bắc truyền dựa trên sự tự giác cá nhân nên sinh hoạt cộng đồng khó thành hiện thực.
Lễ hội Vu lan trở thành lễ hội của cộng đồng bởi nó đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Một năm nhắc lại một lần về đạo hiếu, về tình cảm giữa kẻ còn người mất nên tín đồ tự nhắc phải thực hiện lễ bái cúng tế. Trong khi đó, mỗi tháng hai ngày sám hối bản thân để làm mới thì tín đồ Phật giáo chưa quan tâm. Nhìn tổng quát, Phật tử tham gia tu học tại các đạo tràng không nhiều và thường họ tham gia nhiều chùa. Như vậy, giả sử những người tham gia các khóa tu biết Phật pháp thì số lượng ấy khá khiêm tốn. Đại đa số Phật tử quy y ít đi chùa và ít tìm hiểu giáo pháp để tu tập ngoại trừ khi có nhu cầu tín ngưỡng. Có thể nói, tín ngưỡng Phật giáo đáp ứng nhu cầu tình cảm tôn giáo nhưng mặt tu tập tâm linh, tức học và hành giáo pháp của Đức Phật, thì chưa được chú trọng trong cộng đồng tín đồ Phật giáo nói chung.
Lễ Vu lan trở thành lễ hội trong cộng đồng người Việt nhưng chỉ mới tác động đến lĩnh vực là hiếu, và thường là sự biểu hiện qua hình thức cúng tế cầu siêu người quá cố. Khoảng trống trong lễ hội đang được bổ sung bằng các hoạt động thiết thực như lễ bông hồng cài áo, lễ tri ân… Một số ít Phật tử nghe pháp có thể hiểu ý nghĩa Vu lan nhưng phần lớn tín đồ vẫn chưa hiểu rõ lễ này nên họ còn có tâm lý sợ “tháng Bảy là tháng cô hồn”, còn đốt vàng mã quá nhiều, và còn những quan niệm chưa đúng đắn…
Có lẽ Phật giáo Bắc truyền cần tham khảo Phật giáo Nam truyền trong việc duy trì và phát triển tín đồ Phật giáo. Bởi lẽ, dù Phật giáo Nam truyền ở phương diện nào đó còn có những hạn chế trong việc thích nghi xã hội nhưng họ vẫn duy trì được số lượng tín đồ khá cao. Tôn giáo nào muốn tồn tại phải có đức tin và sự sinh hoạt tôn giáo. Đối với Phật giáo, tín đồ cần có đức tin Tam bảo, tin nhân quả và tất yếu phải hiểu và thực hành điều mình tin. Tuy nhiên, nếu như tin Tam bảo mà không hiểu Tam bảo là gì, tin nhân quả mà phớt lờ thực hành theo giáo lý nhân quả, quy y Pháp mà không hiểu rõ Tam quy Ngũ giới thì sự thực hành tôn giáo chỉ là sự an ủi xoa dịu cảm xúc qua hình thức tín ngưỡng.
Lễ Vu lan đã trở thành lễ hội của đa số tín đồ Phật giáo. Làm sao để các lễ khác như Đại lễ Phật đản, các ngày sám hối hàng tháng trở thành dịp sinh hoạt cộng đồng và tu tập của tín đồ Phật giáo?! Có lẽ chúng ta cần có một cuộc chấn hưng Phật giáo mới! Cuộc chấn hưng ấy nhắm vào hiệu quả quản lý hành chánh Giáo hội, quản lý sinh hoạt các tự viện, và xúc tiến công tác chăm sóc tín đồ… Người Phật tử quy y cần đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như hiểu Tam quy, Ngũ giới, và các pháp tu tập căn bản. Họ phải đi lễ chùa định kỳ hàng tháng. Ban cư sĩ mỗi chùa sẽ là nhân sự trợ giúp gắn kết cộng đồng tín đồ Phật tử trong các hoạt động lễ nghi, hiếu hỷ, lễ tang, tương thân tương trợ…
Công cuộc ấy sẽ mất thời gian nhưng nếu muốn đạt được nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng tín đồ Phật giáo thì không thể không thực hiện.
Thích Hạnh Chơn