Xem “Nhật ký trong tù” bằng thư pháp
Chúng tôi đến thăm chùa Linh Bửu (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) và chuyện trò cùng sư trụ trì Đại đức Thích Viên Hải về nghệ thuật chơi thư pháp Việt. Đại đức Thích Viên Hải bày nghiên mực, phóng bút hai câu thơ của Mãn Giác Thiền Sư làm quà tặng chúng tôi buổi đầu hạnh ngộ: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai.
Đại đức Thích Viên Hải, quê quán huyện Đại Lộc, trụ trì chùa Linh Bửu từ năm 2012. Bén duyên thư pháp từ năm 2005 với bút hiệu Viên Hải Mặc Nhân và là thành viên câu lạc bộ thư pháp Nam Việt, Quảng Nam. Thích Viên Hải từng tham gia nhiều cuộc triển lãm thư pháp gây quỹ từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh, tham gia các cuộc hội ngộ ông đồ do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình năm 2010 và tại TP.Vũng Tàu năm 2013… Đến chùa Linh Bửu, phật tử hay khách thập phương vừa được hòa mình trong cái yên bình, thanh tịnh của một ngôi chùa nơi miền quê dân dã lại vừa được thư thái tâm hồn bởi hàng trăm bức thư pháp chữ Việt trên nền những bức tranh về làng quê, sông nước… do Viên Hải Mặc Nhân phóng tác. Đối với Thích Viên Hải, viết thư pháp chữ Việt như là một cách để di dưỡng tâm hồn, lòng phải tịnh thì chữ mới bay bổng và có hồn. Tròn 10 năm gắn bó với nghệ thuật viết thư pháp chữ Việt, nhà sư này dường đã tìm được cho mình con đường đi đến thanh tịnh tâm hồn bằng nghệ thuật qua từng con chữ. Chính vì thế, chùa Linh Bửu không chỉ có phật tử đến viếng hằng ngày mà còn là nơi hội ngộ của những người yêu thư pháp, thích đàm đạo về loại hình nghệ thuật này. Giữa không gian quê kiểng, nghiên mực có thể được bày ra bất cứ lúc nào để con chữ thanh thoát hiện lên trong niềm phấn khích của những tâm hồn đồng điệu. Và cứ thế, câu chuyện về nghệ thuật thư pháp tự nhiên mà chảy bất tận.
Nhưng điều mà Thích Viên Hải khiến người khác phải trầm trồ khâm phục cũng như ghi nhận ở vị tu sĩ này là tấm lòng với đời đúng với tinh thần của Đại Thừa Phật giáo “Phật pháp không lìa thế gian”. Ấy là vào năm 2010, ông cùng Đại đức Thích Trung Nghĩa (ở Bà Rịa – Vũng Tàu) đồng thủ bút tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thư pháp. Cuốn thư pháp “Nhật ký trong tù” bằng hai ngôn ngữ Việt và Hán gồm 282 trang, bồi biểu hai mặt, 5 lớp giấy (trong đó có 4 lớp giấy xuyến chỉ và 1 lớp giấy A4) thể hiện 134 bài thơ của Bác. Với chiều dài 110cm, rộng 65cm, dày 15cm và nặng 60kg, thực hiện trong vòng 8 tháng. Tác phẩm này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thư pháp có kích thước lớn nhất Việt Nam. Tác phẩm hoàn thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 120 của Bác (19.5.2010), như là món quà tinh thần độc đáo mà hai vị tu sĩ Phật giáo dâng lên Người. Nói về ý tưởng để “Nhật ký trong tù” bằng thư pháp ra đời, Đại đức Thích Viên Hải cho biết “Với tinh thần: Phật giáo đồng hành với dân tộc, sau một thời gian chuẩn bị chu đáo và nghiền ngẫm những bài thơ trong “Nhật ký trong tù”, chúng tôi bắt tay vào thực hiện tác phẩm với mong muốn làm được một việc có ích, lưu lại những câu thơ trong suốt quá trình Hồ Chủ tịch bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác với biết bao gian truân, nguy hiểm. Chính tâm thế: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao” của Người đã thôi thúc chúng tôi hoàn thành tác phẩm”.
Chúng tôi thật sự xúc động khi tận mắt thưởng lãm “Nhật ký trong tù” bằng thư pháp. Tác phẩm được thực hiện hết sức công phu từng chi tiết. Từ bìa sách làm bằng gỗ chạm rồng, có hoa văn cho đến mỗi trang sách họa một đóa sen tượng trưng cho ngàn hoa sen dâng Người… thảy đều toát lên sự trân trọng và thành kính của các tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đức Thích Viên Hải bảo rằng, trong quá trình thực hiện cuốn thư pháp này, có dịp đọc kỹ, ngẫm ngợi kỹ từng câu thơ trong những bài thơ của Bác, ông càng cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn, tấm lòng luôn hướng về quê hương đất nước, vì đồng bào, dân tộc của Người. Lại thấy toát lên một tâm hồn nghệ sĩ dù trong gian nguy nhưng vẫn vô cùng lãng mạn. Vì lẽ đó nên ròng rã trong 8 tháng trời, không kể sớm khuya, hai vị tu sĩ đã cố gắng hết mình để hoàn thành tác phẩm đúng với tâm nguyện.
Đại đức Thích Viên Hải trân trọng và gìn giữ cuốn thư pháp này như một vật quý giá. Ông đóng thùng gỗ, tra khóa cẩn thận và để trang trọng trong gian chánh thất chùa Linh Bửu. Mỗi lần có người muốn thưởng lãm, Thích Viên Hải trịnh trọng bày tác phẩm ra tiền sảnh ngôi chùa, gióng lên một hồi chuông trong không gian yên vắng rồi lặng lẽ lật giở từng trang, thuyết minh cho người thưởng lãm.
“Nhật ký trong tù” không xa lạ với mỗi người Việt, nhưng “Nhật ký trong tù” bằng thư pháp Việt – Hán hiện hữu trong một ngôi chùa ở xứ Quảng… thật đáng trân quý biết bao.