Đại đức Thích Viên Hải (Quảng Nam): “Cần có sự thống nhất trong các phát ngôn của Giáo hội”
GNO – Đại đức Thích Viên Hải, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN tỉnh Quảng Nam: “Cần có sự thống nhất trong các phát ngôn liên quan tới quan điểm của Giáo hội trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông”.
Có thể thấy từ khi GHPGVN thành lập 1981 đến nay, các hoạt động Phật sự ngày càng phát triển, lan tỏa và đối diện với nhiều thời cơ cũng như thách thức. Nhận thấy “sức mạnh mềm” của truyền thông, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII (2012-2017), Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin – Truyền thông để đưa tiếng nói chính thức của GHPGVN lan rộng trong quản lý điều hành Phật sự và truyền bá Chánh pháp. Từ đó, mỗi tỉnh thành, mỗi huyện thị cũng hình thành các Ban Thông tin – Truyền thông trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo của địa phương mình, góp phần truyền tải nhiều thông tin Phật sự đến cộng đồng.
Qua 10 năm hoạt động kể từ năm 2012 đến năm 2022, công tác truyền thông của Giáo hội đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, phát huy tốt việc ứng dụng mạng xã hội trong việc tuyên truyền, chuyển tải hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni tích cực tham gia hoạt động hoằng pháp lợi sanh, các công tác xã hội, hình ảnh về cái thiện và tinh thần Từ bi – Trí tuệ đến cộng đồng và xã hội.
Nếu chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trẻ biết vận dụng mạng xã hội trong việc nghiên cứu, hoằng pháp thì đó chính là phương tiện hữu hiệu tối ưu; còn nếu sử dụng mạng xã hội một cách mất kiểm soát, thiếu tinh thần tỉnh giác thì đó là mối nguy hiểm cho bản thân và là mối đe dọa lớn cho Phật giáo.
Bên cạnh thành quả đạt được vẫn còn có những hạn chế nhất định về công tác truyền thông Phật giáo như: Vai trò phát ngôn chính thức của Giáo hội chưa phát huy và thể hiện vai trò trong những lúc bị khủng hoảng truyền thông, lại có quá nhiều phát ngôn trên báo chí thậm chí với quan điểm cá nhân khác nhau, không thống nhất theo chủ trương, đường lối của Giáo hội, gây nhiều hoang mang trong dư luận.
Ngoài ra, Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương chưa có sự kết nối với Ban Thông tin -Truyền thông Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước, nên rất hạn chế trong việc điều hành cũng như tuyên truyền, phổ biến các Phật sự chung của Giáo hội; nhiều chương trình hoạt động mang tính cục bộ, độc lập riêng lẻ, không xuyên suốt.
Trong thời gian tới, mong muốn Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội cần có sự quan tâm đến Ban Thông tin – Truyền thông các tỉnh, thành như: tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên để tạo mối gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác làm truyền thông Phật giáo.
Việc tận dụng các phương tiện thông tin truyền thông để đưa Phật pháp đến cư dân mạng phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Giáo hội.
Bên cạnh truyền thông hỗ trợ phổ biến các bài giảng giáo lý rộng khắp, Giáo hội cần quan tâm để có biện pháp hạn chế hiện tượng không thống nhất về nội dung, cũng như sự sai lệch trong một số bài giảng theo quan điểm cá nhân… đã tạo nên sự hoang mang đối với tín đồ sơ cơ học đạo.
Trong thời buổi hiện tại – thời đại của công nghệ thông tin, thời đại của công nghệ 4.0, mạng xã hội đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong đó môi trường Phật giáo không ngoại lệ.