...

    Hiểu mình là quên mình

    (QCB) – Chúng ta có lẽ thường nghĩ rằng, hiểu biết về bản thân là một việc đầy tự tôn, nhưng khi nhìn rõ và trung thực hơn về bản thân, ta mới bắt đầu phá vỡ bức tường ngăn cách giữa ta và tha nhân.

    Hành trình tỉnh thức chỉ bắt đầu từ điểm vốn làm ta không cảm thấy thoải mái. Mở lòng với sự khó chịu là bước căn bản của việc chuyển hóa một thứ được gọi là “cảm xúc tiêu cực”. Chúng ta vì lý do nào đó muốn xóa bỏ những cảm xúc khó chịu của mình bằng cách tích cực hóa chúng hoặc đàn áp chúng, nhưng cách này hóa ra lại giống như ném chuột vỡ bình. Theo giáo lý của Kim cang thừa Phật giáo, trí tuệ và vô minh của con người đan xen lẫn nhau, cho nên vứt bỏ hẳn cái gì đó đi cũng chưa chắc là hiệu quả.

    Bằng việc cố vứt bỏ “sự tiêu cực”, bằng cách xóa sổ nó, liệt kê nó vào hàng ngũ được gọi là “xấu”, ta cũng đang vứt bỏ trí tuệ của mình, bởi vì mọi thứ trong ta là năng lượng sáng tạo, đặc biệt là những cảm xúc mãnh liệt. Chúng tràn đầy sinh lực.

    Sự tiêu cực tự thân nó không có gì sai cả; vấn đề là ta chưa bao giờ thấy nó, ta không bao giờ tôn trọng nó, ta không bao giờ nhìn vào tâm nó. Chúng ta không nếm trải sự tiêu cực của mình, không cảm nhận hương vị của nó, không cố để tìm hiểu về nó. Thay vào đó, ta luôn cố vứt nó đi bằng cách đấm vào mặt ai đó, phỉ báng một người nào đó, hành hạ bản thân, hoặc kìm nén cảm xúc của mình. Tuy nhiên, khoảng giữa kìm nén và bộc phát sẽ là trí tuệ, sự uyên thâm và vô cùng vô tận.

    Nếu ta chỉ cố xóa bỏ đi những cảm xúc tiêu cực, ta sẽ không nhận ra rằng chính những cảm xúc đó là trí tuệ của ta. Sự chuyển hóa đến từ việc sẵn lòng tiễn lời nói và những đúng sai ra đi, chỉ cảm xúc thật của mình ở lại. Ta không cần phải có giải pháp. Ta có thể cứ sống cùng với nó trong nhận thức rõ những bất đồng, không cần phải vội vã bấm nút để kết thúc một điệu nhạc đang chơi.

    Thật kỳ lạ, hành trình chuyển hóa này là một trong những niềm vui lớn lao. Ta thường tìm kiếm niềm vui sai chỗ, bằng cách tránh né cảm nhận tất thảy cảm xúc của con người. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc bằng cách tin rằng hầu như những gì thuộc về con người là không chấp nhận được. Ta cảm nhận có điều gì đó cần thay đổi trong ta. Tuy nhiên, niềm vui vô điều kiện xuất hiện thông qua một dạng trí tuệ cho phép chúng ta nhìn thấy rõ những gì chúng ta làm với sự trung thực, kết hợp cùng lòng tốt và sự cao quý vô bờ. Sự kết hợp giữa trung thực, hay nhìn thấu rõ, và lòng tốt là bản chất của maitri (lòng từ), chính là tình bạn vô điều kiện với bản thân.

    Đây là quá trình của việc đi tới một vùng đất xa lạ. Bạn bỗng sẵn sàng để bước vào chốn xa lạ trong bản thân mình. Rồi bạn nhận ra rằng, hành trình này không chỉ đưa bạn trở vào bên trong con người bạn, mà còn đưa bạn ra ngoài cả vũ trụ này. Bạn chỉ có thể bước đi vào một miền lạ khi bạn đã làm bạn với chính mình. Bạn chỉ có thể bắt đầu bước tới những chốn “ngoài kia” khi bạn bắt đầu khám phá và tò mò về nơi lạ “trong này”, bên trong bạn.

    Thiền sư Dogen từng nói: “Để hiểu bản thân mình là quên đi chính mình”. Chúng ta có lẽ thường nghĩ rằng, hiểu biết về bản thân là một việc đầy tự tôn, nhưng khi bắt đầu nhìn rõ và trung thực hơn về bản thân, nhìn vào cảm xúc, suy nghĩ, vào con người chúng ta thật sự là nó, ta mới bắt đầu phá vỡ bức tường ngăn cách giữa ta với tha nhân. Bằng cách nào đó, những bức tường này, các cách cảm nhận này ngăn cách mọi thứ và mọi người, vốn được làm từ nhiều quan điểm. Chúng được làm từ giáo điều và định kiến. Những bức tường này được xây từ nỗi sợ hãi của việc hiểu biết nhiều điều về bản thân.

    Tác giả Pema Chödrön (trái) trò chuyện với Oprah Winfrey – Ảnh: SuperSoul Sunday

    Người Tây Tạng có câu nói rất hay: “Tự ôm ấp bản thân là cội nguồn của mọi đau khổ”. Khi nghe cụm từ này, người ta thường hiểu lầm ý của từ “Tự ôm ấp bản thân” thành “Trân trọng bản thân”. Tôi đoán là khoảng 85% người khi nghe câu này hiểu ý của nó khuyên ta không nên quan tâm tới chính mình, có cái gì đó rất chống đối lại việc tôn trọng chính mình. Nhưng đó không phải là ý của câu này. Câu này nói về sự chấp ngã. “Ôm ấp bản thân” ở đây chỉ cách ta cố bảo vệ bản thân bằng sự chấp ngã – cách mà ta dựng lên những bức tường để không phải cảm thấy khó chịu hoặc những lúc không có giải pháp. Quan niệm về “ôm ấp bản thân” đề cập đến niềm tin sai lầm rằng, sự thoải mái nên tồn tại còn bất như ý thì không, chỉ nên có hạnh phúc trên đời còn nỗi buồn thì không, hoặc tin rằng chỉ nên có thiện mà không có ác.

    Nhưng giáo lý Phật dạy chỉ ra rằng ta có thể nhìn mọi thứ ở một góc nhìn lớn hơn, một góc nhìn vượt lên cả thiện và ác. Việc phân chia xấu và tốt đến từ việc thiếu maitri, lòng từ. Ta nói một thứ tốt khi nó làm ta cảm thấy thoải mái và cho rằng nó xấu khi nó làm ta khó chịu. Khi đó chúng ta bắt đầu đi ghét những người làm ta thấy khó chịu và ghét những tôn giáo, quốc gia làm ta thấy khó chịu. Ta chỉ thích những nguời chống lưng cho ta.

    Khi bị cuốn sâu vào việc bảo vệ bản thân, ta không thể thấy được nỗi đau trên gương mặt tha nhân. “Ôm ấp bản thân” là cái tôi bị chấp ngã và tham lam: nó trói con tim, đôi vai, cái đầu, ruột gan của ta thành một nút thắt. Và ta không thể mở nó. Mọi thứ là một nút thắt. Khi ta bắt đầu mở lòng ra, ta có thể nhìn thấy mọi người và ở bên họ khi họ cần. Nhưng khi ta chưa đối diện với nỗi sợ của mình, ta sẽ gục xuống khi ai đó khơi dậy nỗi sợ của ta.

    Thế thì, hiểu mình là quên mình. Điều này nói lên rằng, khi ta làm bạn với chính mình, chúng ta không còn phải cuộn mình trong vỏ kén của bản thân. Đó là một cú đổi hướng kỳ lạ: làm bạn với bản thân là cách để ta không cuộn mình như con sâu làm tổ nữa. Thiền sư Dogen nói: “Quên đi bản thân là được giác ngộ bởi vạn vật”. Khi ta không còn quá quan tâm đến bản thân, ta bắt đầu nhận ra rằng thế giới lúc nào cũng nói chuyện với ta cả. Từng cái cây, từng con vật, từng con người, từng chiếc xe, mọi động cơ… đều đang nói chuyện với ta, đều đang giảng dạy và đánh thức ta. Đó là cả một thế giới tuyệt diệu nhưng ta thường hay bỏ lỡ. Nó như thể chúng ta coi một bản xem trước của một video sắp ra mắt rất thu hút nhưng lại không được thấy phần chính.

    Khi ta cảm thấy bực bội hoặc phán xét, nó làm ta và người khác bị tổn thương. Nhưng khi ta nhìn kỹ vào nó, ta thấy rằng đằng sau sự bực bội là sự sợ hãi và đằng sau sự sợ hãi là một sự yếu đuối khủng khiếp. Có một trái tim bao la và một tâm trí rộng mở chính là trạng thái căn bản và tỉnh thức của các chúng hữu tình. Để trải nghiệm được điều đó, chúng ta bắt đầu thực hiện một hành trình, đó là hành trình làm bạn vô điều kiện đối với bản thân vốn luôn sẵn có trong ta.

    Pema Chödrön
    Bội Trân
    (Chuyển ngữ và biên tập từ Lion’s Roar – nguồn: giacngo)

    MỚI CẬP NHẬT

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM